ANTS
 17/09/2015

Adtech Có Mang Lại Thuận Tiện Cho Khách Hàng?

Adtech Có Mang Lại Thuận Tiện Cho Khách Hàng?

Dù không thể phủ nhận những tiến bộ của công nghệ quảng cáo (AdTech) trong 5 năm gần đây đã hỗ trợ rất nhiều cho các hoạt động Marketing và khiến các giao dịch truyền thông trở nên nhanh chóng với giá cả phải chăng hơn, nhưng vẫn còn những lo ngại – liệu rằng AdTech có thực sự luôn luôn tốt như chúng ta vẫn tưởng. Vấn đề không nằm ở bản thân công nghệ có sai lầm hay không, mà ở chỗ chúng ta có đang sử dụng chúng sai mục đích hay không. Các Marketer đang dựa trên công nghệ để khiến công việc của họ trôi chảy hơn nhưng liệu nó có giúp cuộc sống của khách hàng trở nên thuận tiện hơn?

“Mang lại sự thuận tiện cho cuộc sống khách hàng” không phải là một khái niệm trừu tượng. Nó vốn dĩ đơn giản và trực tiếp như đúng tên gọi của mình – đó là khi nguồn cảm hứng, sự phù hợp và các giá trị đích thực đến cùng lúc – lúc này các quyết định mua hàng sẽ diễn ra một cách tự nhiên.

Do đó khi sử dụng AdTech, vấn đề quan trọng mà các Marketer cần lưu ý là: vận dụng AdTech có giúp mang lại sự thuận tiện cho khách hàng?

Marketer có chạy theo số lượng?

Việc quá nóng vội trong tìm kiếm và phục vụ quảng cáo cho đối tượng mục tiêu tại bất cứ đâu và trong mọi thời điểm đã vô tình khiến cho giá trị cốt lõi của hoạt động tiếp thị – “các thông điệp có ý nghĩa” – bị lãng quên.

Còn nhớ trước khi bước vào kỷ nguyên số, thời kỳ mà chỉ có một vài kênh quảng cáo tồn tại, việc tạo nên các thông điệp có khả năng gợi nhớ và tác động mạnh mẽ đến người tiếp nhận được xem là vấn đề sống còn. Lúc đó, các chiến dịch thành công nhất có khả năng kết nối với khách hàng ở mức độ cao nhất về mặt cảm xúc và có thể tạo ảnh hưởng mạnh mẽ về mặt thương hiệu cả nhiều năm sau khi chiến dịch kết thúc.

Nhưng dường như ngày nay, các Marketer dành ít sự quan tâm cho chất lượng các thông điệp, thay vào đó tập trung nhiều đến số lượng của các điểm tương tác và phân phối quảng cáo. Họ đang tự thuyết phục bản thân rằng cách tiếp cận này sẽ tạo nên cái nhìn toàn diện về các trải nghiệm truyền thông. Nhưng trong nhiều trường hợp, điều này đơn giản chỉ là sự biện hộ cho việc quá ôm đồm và chạy theo thị trường – Marketer thực sự sợ sẽ bỏ lỡ bất kỳ một điểm tương tác nào mà doanh nghiệp có thể tiếp cận và bị tụt lại so với đối thủ.

Dữ liệu có bị dùng chệch hướng?

Người dùng để lại dấu vết khắp mọi nơi trong nhịp sinh hoạt hàng ngày. Con người và máy tính phân tích các những hành vi này để xác định nơi người dùng đã đến và những thứ họ đã làm – tất cả được tập hợp thành các bộ dữ liệu khổng lồ giúp phác họa nên bản đồ dự báo cho những thứ người dùng có khả năng sẽ làm, và muốn làm trong tương lai.

Đối với Marketer, những hiểu biết này trở thành vũ khí vô giá để tạo nên sự bùng nổ cho hình ảnh thương hiệu. Các hoạt động dựa trên dữ liệu để nhắm đến khách hàng mục tiêu (targeting) dạng này có tiềm năng mang lại hiệu quả cực kỳ cao – nếu định hướng đúng và sử dụng các quảng cáo phù hợp có thể mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với các tương tác không được định hướng dựa trên dữ liệu.

Không may là nhiều doanh nghiệp đã chệch hướng khỏi điều quan trọng này. Đầu tiên là vì họ triển khai hoạt động targeting sai cách, thay vì tập trung cải thiện trải nghiệm người dùng họ lại sử dụng dữ liệu để chạy đua và lấn át đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, Marketer giả định rằng: bất kỳ động thái từ chối mua hàng nào cũng đều do một sai sót tình cờ nào đó và cần được sửa chữa ngay lập tức bằng các hoạt động tiếp thị lại (retargeting) và theo dấu người dùng trên khắp không gian mạng.

blog_201509_adtech-co-mang-lai-thuan-tien-cho-khach-hang_lack engagement

Doanh nghiệp có thiếu gắn kết với khách hàng?

Hai năm trước, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm được ước tính đã chi 500 tỷ $ đầu tư vào các mạng lưới quảng cáo, các nhà cung cấp dữ liệu và các sàn giao dịch truyền thông (tất cả đều thuộc mảng công nghệ quảng cáo – AdTech). Trong khi đó ngân sách cho hoạt động Marketinglại không gia tăng với cùng nhịp độ tương ứng trong hệ sinh thái số.

Để theo kịp tốc độ tăng trưởng của quảng cáo, các Marketer buộc phải liên tục thay đổi trong ngắn hạn những đối tượng khách hàng mà họ muốn gắn kết. Trong khi đó, đối với hầu hết khách hàng, sự cam kết lâu dài và đáng tin cậy về giá trị nhận được là nguyên nhân cơ bản khiến họ lựa chọn sản phẩm/dịch vụ của một doanh nghiệp. Việc thiếu đi yếu tố quan trọng này cũng giống như việc làm mất banh ngay trong vòng cấm địa của một trận bóng đá.

AdTech không gây trở ngại, cũng chẳng phải vạn năng

Rõ ràng mảng AdTech đã có những tiến bộ nhanh chóng và đáng kể trong khả năng cung cấp cho Marketer các công cụ và hiểu biết có giá trị. Chúng cho Marketer biết thứ phải làm và nơi phải tập trung, qua đó triển khai và tối ưu hóa các kế hoạch tiếp thị.

Nhưng để vận dụng AdTech “làm cho cuộc sống khách hàng dễ dàng hơn”, Marketer nên nhớ rằng những nguyên tắc Marketing truyền thống vẫn còn nguyên giá trị. Một chiến dịch cho thành quả tốt nhất sẽ nhắm đến nhu cầu của từng cá nhân một cách trực tiếp. Điều này đồng nghĩa với việc tạo nên sự cân bằng giữa nguồn cảm hứng và tính phù hợp, trong khi mang đến một lời cam kết giá trị mạnh mẽ và một kêu gọi hành động rõ ràng.

Marketer cũng cần biết rằng kỳ vọng của khách hàng về các giá trị được đặt đúng thời điểm vẫn không ngừng được nâng cao từng ngày. Sự phát triển mạnh mẽ của các kênh giao tiếp đồng nghĩa với việc từng người dùng không còn là một khách hàng độc quyền nữa. Hầu hết họ đã trở thành những người dùng thông thái, biết chọn cách tốt nhất để tiếp nhận thông điệp từ các thương hiệu. Nhà quảng cáo biết tôn trọng và nâng cao nhu cầu này sẽ trở thành kẻ chiến thắng.

Cuối cùng, Marketer nên bỏ qua những công nghệ quảng cáo không thực sự cần thiết. Rõ ràng cố gắng đầu tư vào mọi công nghệ mới xuất hiện trên thị trường đòi hỏi phải có một nguồn ngân sách dồi dào, và thực sự đó không phải hướng đi mà mọi thương hiệu đều có thể áp dụng. Bên cạnh đó, không chỉ ảnh hưởng về mặt ngân sách, đầu tư công nghệ mới còn đòi hỏi Marketer phải chia sẻ ý tưởng về công nghệ mới này cho toàn bộ tổ chức cũng như chia sẻ tiếng nói chung đối với khách hàng. Vì vậy hãy quyết định chiến lược trước, sau đó mới bắt tay vào tìm kiếm công nghệ hỗ trợ tốt nhất cho việc hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tóm lại, mọi trao đổi ở trên cuối cùng đều xoay quanh việc mang đúng thông điệp đến đúng người dùng tại đúng thời điểm và sử dụng công nghệ sẵn có theo cách thông minh nhất.

(Theo www.adexchanger.com)

Related Posts