ANTS
 06/07/2016

Thị Trường Tuần Qua: Cấu Trúc Tổ Chức Marketing Hiện Đại; Ngành Ô Tô Với Premium Video; Xu Hướng Re-post Nội Dung

Thị Trường Tuần Qua: Cấu Trúc Tổ Chức Marketing Hiện Đại; Ngành Ô Tô Với Premium Video; Xu Hướng Re-post Nội Dung

Báo cáo tuần qua của ExchangeWire đã dự đoán tương lai của các tổ chức tiếp thị; đánh giá hiện trạng ngành ô tô trong hệ sinh thái Video cao cấp; và phân tích xu hướng đăng tải lại nội dung trên mạng xã hội (Repost).

Cấu trúc tối ưu cho tổ chức tiếp thị tương lai

Hãng công nghệ quảng cáo GumGum vừa công bố nghiên cứu “Xây dựng tổ chức tiếp thị trong tương lai”. Trong đó khảo sát 246 marketer kỹ thuật số từ các thương hiệu thuộc danh sách Fortune 500 nhằm dự đoán xu hướng phát triển cấu trúc của các tổ chức tiếp thị trong vài năm tới.

Khoảng 25% đối tượng được khảo sát khẳng định, marketer hiện nay có vai trò nhất định trong việc định hướng chiến lược tổng thể của doanh nghiệp. Phần lớn (62%) marketer mô tả vai trò của mình hơi thiên về mặt chiến thuật, khoảng 21% tự xác lập mình như những nhà thực thi chiến thuật, 14% mô tả vai trò của mình mang tính chất kết nối, còn 23% thì kiêm nhiệm nhiều vai trò cùng lúc.

Có thể dễ dàng nhận thấy vai trò của tiếp thị trong mọi tổ chức hiện nay đang thay đổi, và thay đổi hết sức nhanh chóng. Một bộ phận không nhỏ marketer hiện đại nhận thức rất rõ điều này. Bằng chứng là họ biết chính xác tổ chức của mình đang ở vị trí nào trên bước đường Trưởng thành về Năng lực Sáng tạo (Innovation Maturity Curve) – lộ trình xây dựng năng lực để trở thành một tổ chức sáng tạo trong tương lai.

Cũng theo một số kết quả đáng lưu ý khác từ cuộc khảo sát:

– Phần lớn marketer nhận định những đặc điểm thể hiện một tổ chức tiếp thị tối ưu là: lấy người dùng làm trọng tâm (85%), lấy dữ liệu làm trọng tâm (66%), và lấy công nghệ số làm trọng tâm (57%) .

– Bốn yếu tố được xem là có tác động lớn nhất đến tương lai của ngành tiếp thị bao gồm: sáng kiến đổi mới (68%), phân tích và đo lường (65%), sáng kiến trong lĩnh vực di động (64%), và tiếp thị nội dung (64%).

– Hai rào cản lớn nhất đối với việc tối ưu hóa hiệu suất là: quá trình chuyển đổi chiến lược ưu tiên của tổ chức (34%), và thách thức về mặt ngân sách (22%).

– 79% marketer cũng ước tính ngân sách quảng cáo số sẽ gia tăng vào năm 2017, 19% marketer nhận định đây sẽ là mức gia tăng đáng kể.

Ngành ô tô: YouTube dẫn đầu về lượt View nhưng “thua” Facebook ở tỷ lệ gắn kết

Theo nghiên cứu mới nhất của Pixability, các phương tiện truyền thông số đang làm đảo lộn hành trình mua ô tô trước đây của người dùng. Qua phân tích các hệ sinh thái giao dịch ô tô trên YouTube, Facebook và Instagram, người tiêu dùng ô tô hiện nay có trung bình 900 điểm tiếp xúc kỹ thuật số (digital touchpoint) trong suốt quá trình mua hàng. Kết quả nghiên cứu cũng tiết lộ số lượt tìm kiếm thuật ngữ “đánh giá ô tô” (Car review) trên YouTube đã vượt Google.com, và số lượng cửa hàng trung bình mà khách hàng ghé thăm trước khi mua xe giảm còn 1,6 đại lý  (so với 5 đại lý vào năm 2002).

Theo thống kê, số lượt xem (View) ô tô hàng tháng gia tăng liên tục kể từ năm 2006 và đạt mức tăng trưởng năm là 42% từ năm 2014 đến 2015. Ngoài ra, trong 5 năm gần đây, số lượt tìm kiếm thuật ngữ “đánh giá ô tô” trên YouTube đã vượt Google. Xu hướng tăng trưởng của YouTube không chỉ phản ánh sự bùng nổ của kênh video kỹ thuật số mà còn cho thấy tình trạng thoái trào của kênh tìm kiếm bằng văn bản. Rõ ràng người tiêu dùng đang chuyển sang dùng Video trực tuyến để tìm hiểu thương hiệu; và cuối cùng, ra quyết định chọn lựa thương hiệu dựa trên YouTube.

Mặc dù vậy, mạng xã hội Facebook – tuy kém YouTube về số lượt View – nhưng lại giúp thương hiệu đạt tỷ lệ gắn kết với người dùng (engagement) cao hơn đáng kể. Điển hình là thương hiệu xe BMW của Đức. Chỉ tính riêng tỷ lệ “Like” của hãng xe này trên Facebook đã cao gấp 5,6 lần tổng tỷ lệ gắn kết họ đạt được trên YouTube (bao gồm cả tỷ lệ Like, Dislike, Comment và Share).

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Instagram đã phát triển thành một nền tảng Video mà nhà quảng cáo ô tô không thể ngó lơ. Cụ thể, nó đạt được mức tăng trưởng 40% trong lượng thời gian xem video chỉ riêng trong khoảng thời gian 6 tháng từ 9/2015 đến 3/2016. Một chuỗi hình ảnh đẹp mắt kết hợp với các trải nghiệm riêng có trên di động đã biến việc quảng cáo trên Instagram trở nên hấp dẫn, với cả những cơ hội lẫn thách thức mới dành cho marketer.

Đăng lại nội dung (Repost): khi nào và bằng cách nào?

Trong báo cáo mới nhất – Smart Social Report: Volume Five, công ty cung cấp giải pháp tiếp thị dựa trên mạng xã hội Spredfast đã tập hợp số lượt bài đăng (tweets) từ Buzzfeed, The New York Times, Huffington Post và Hollywood Life trên Twitter trong vòng 12 tháng, mở hơn 170.000 đường Link đính kèm trên các tweet này để thống kê những trang web được đề cập đến hơn một lần. Bằng cách này, Spredfast phân tích được tần suất và ngữ cảnh mà các nhà xuất bản trên đăng tải lại nội dung của họ (Repost).

Báo cáo chỉ ra một số điểm nổi bật:

– Đường Link rất cần thiết: 94% số Tweet có chứa một Link.

– Xu hướng Repost được ưa chuộng: 33% tổng số Link được đăng tải hơn một lần.

– Những nội dung hay nhất mới được Repost: so với các Link chỉ đăng mỗi một lần, những Link được chọn Repost là những Link đạt hiệu suất trung bình cao hơn 33% ngay từ lần đầu tiên đăng tải (first-run).

Báo cáo cũng cho thấy các nhà xuất bản thường đăng nội dung mới (original content) vào buổi sáng, và đỉnh điểm là khoảng giữa trưa. Trong khi đó, buổi trưa lại là thời điểm các nhà xuất bản hiếm khi Repost. Thay vào đó, các lượt đăng lại đầu tiên thường bắt đầu lúc 3 giờ chiều và tốc độ Repost sau đó tăng đều suốt buổi tối và vào ban đêm.

(Theo exchangewire)

Related Posts