ANTS
 21/07/2016

Tiêu Điểm Thị Trường Tuần Qua: APAC Được Dự Báo Vượt Bắc Mỹ Trong Chi Tiêu Quảng Cáo Năm 2016

Tiêu Điểm Thị Trường Tuần Qua: APAC Được Dự Báo Vượt Bắc Mỹ Trong Chi Tiêu Quảng Cáo Năm 2016

Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đang trên đà trở thành thị trường quảng cáo số lớn nhất thế giới; Hai hiệp hội ngành sáp nhập tại Úc; Hãng truyền thông Mediacorp của Singapore hợp tác công ty mạng Outbrain; Danh tiếng của thương hiệu quan trọng đối với người tìm việc Trung Quốc; Dentsu bổ nhiệm giám đốc dữ liệu cho thị trường Úc và New Zealand. Đó là những điểm nổi bật của thị trường công nghệ quảng cáo khu vực APAC tuần qua.

APAC trên đường trở thành thị trường quảng cáo số hàng đầu thế giới

Trong năm nay, APAC được dự báo sẽ lần đầu tiên vượt Bắc Mỹ để trở thành thị trường quảng cáo số lớn nhất thế giới.

Theo thống kê mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Stategy Analytics, chi tiêu quảng cáo số tại APAC năm 2016 được kỳ vọng tăng 18,2% và đạt mức 59,7 tỷ USD, nhỉnh hơn một chút so với thị trường Bắc Mỹ với mức tăng trưởng dự kiến 9,6%, đạt 59,5 tỷ USD.

Trung Quốc sẽ góp phần lớn nhất vào sự tăng trưởng của khu vực APAC với chi tiêu quảng cáo số trong nước tăng 25,1%, đạt 22,4 tỷ USD; và là thị trường lớn thứ hai toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ với chi tiêu 55 tỷ USD. Chỉ riêng hai quốc gia này uớc tính sẽ chiếm lĩnh 44% thị phần trong tổng ngân sách digital ad toàn cầu năm 2016.

Hiện nay, Châu Á – Thái Bình Dương đang là “chiếc nôi” của ba trong số những thị trường quảng cáo số lớn nhất thế giới. Ngoài Trung Quốc còn có Nhật Bản là thị trường lớn thứ tư và Hàn Quốc xếp vị trí thứ sáu. Dự kiến đến năm 2021 chi tiêu quảng cáo số của toàn APAC cao hơn 33% so với khu vực Bắc Mỹ.

Giám đốc truyền thông số của Strategy Analytics, Michael Goodman, cho biết: “Quảng cáo đang là ‘tâm điểm’ và được triển khai trên quy mô tuyệt đối tại thị trường Trung Quốc, cùng với Ấn Độ và Indonesia, đó là lý do tại sao khu vực APAC sẽ vượt Bắc Mỹ trong năm nay, bất chấp tình trạng yếu kém của một số nền kinh tế trong khu vực. Đơn giản là hàng triệu thì không thể nào cạnh tranh với hàng tỷ.”

Quả thực khu vực Bắc Mỹ có chi tiêu quảng cáo bình quân đầu người ở mức 165 USD, bỏ xa các thị trường khác trên thế giới. Theo sau là Tây Âu với mức  chi tiêu bình quân 95 USD. Trong khi đó, dù là thị trường quảng cáo lớn nhất nhưng do dân số khổng lồ nên chi tiêu quảng cáo bình quân đầu người tại APAC chỉ ở mức 15 USD.

Tuy nhiên Goodman cũng lưu ý rằng với mức chi tiêu quảng cáo bình quân đầu người tương đối thấp kể trên, thị trường châu Á cho thấy tiềm năng tăng trưởng đáng kể so với các thị trường lâu đời và đạt đến độ bão hòa nhất định tại phương Tây. Bên cạnh đó, khi điện thoại di động mang khả năng truy cập Internet phổ biến rộng rãi tại các thị trường kém phát triển, dân số trực tuyến tại khu vực APAC sẽ mở rộng với tốc độ đáng kinh ngạc, kéo theo chi tiêu quảng cáo tăng vọt.

Trên toàn cầu, chi tiêu quảng cáo số dự kiến tăng 12,6% trong năm nay, đạt 176 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 32% tổng chi tiêu quảng cáo. Trong đó, quảng cáo tìm kiếm (Search)  đóng góp 52% vào tổng chi tiêu toàn cầu, quảng cáo hiển thị (Display) đóng góp 36% và quảng cáo dưới dạng các mẩu tin rao vặt (Classifieds) là 11%.

blog_201607_tieu-diem-thi-truong-tuan-qua-apac-duoc-du-bao-vuot-bac-my-trong-chi-tieu-quang-cao-nam-2016_graph

Châu Úc: Hợp nhất hai hiệp hội ngành tiếp thị quảng cáo

Hiệp hội Quảng cáo Châu Úc (The Advertising Institute of Australasia – AIA) vừa trở thành một phần của Hiệp hội Tiếp thị Úc (The Australian Marketing Institute – AMI) sau thương vụ sáp nhập được kỳ vọng sẽ mang lại sự hỗ trợ tốt hơn cho các nguồn lực tiếp thị mới của quốc gia.

Liên minh hai hiệp hội được thành lập do những “thay đổi trong bối cảnh ngành” , và dựa trên kết luận của Hội đồng quản trị AIA cho rằng – vì lợi ích của tổ chức, AIA nên sáp nhập vào một hiệp hội “lớn hơn, mạnh hơn, đa dạng hơn” trong nhóm ngành tiếp thị.

Thành lập năm 1920, AIA là tổ chức chuyên cung cấp chứng nhận và đào tạo chuyên gia quảng cáo cá nhân tại Úc. Hội đồng AIA xác định AMI là tổ chức phù hợp nhất để hợp tác do có nhiều điểm tương đồng về mục tiêu và nhiệm vụ với AIA.

Trong một tuyên bố chung, liên minh AIA và AMI cho biết, công nghệ đang thay đổi cách Marketer làm việc và cách bộ phận tiếp thị vận hành, cũng như tác động đến phương thức đào tạo và nhu cầu phát triển của giới chuyên gia tiếp thị. Ngoài ra, sự bùng nổ các nền tảng kỹ thuật số, xu hướng tiếp thị nội dung, và truyền thông xã hội còn làm biến đổi cách thức các tổ chức hiện đại quảng bá thương hiệu, sản phẩm, và dịch vụ để thu hút khách hàng. Trong bối cảnh này, AIA sẽ đạt được mục tiêu tổ chức tốt hơn nếu hợp tác với AMI – cơ quan tiếp thị chuyên nghiệp được thành lập từ năm 1933.

Chủ tịch AMI, Andrew Thornton giải thích: “AIA đã là một tổ chức hàng đầu có tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp quảng cáo Úc với lịch sử hơn 90 năm, đi tiên phong về những phát kiến giáo dục, giải thưởng và nghiên cứu có tác động lớn, hỗ trợ nuôi dưỡng và phát triển tài năng tiếp thị tại Úc”. “Tuy nhiên, xu hướng hợp nhất các hiệp hội trong ngành đã trở nên không thể tránh khỏi với tốc độ phát triển ngày càng nhanh của thị trường”, lúc này, một tổ chức lớn hơn như AMI sẽ là người kế nhiệm phù hợp để tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho lĩnh vực tiếp thị – công việc mà AIA đã đảm đương rất tốt trong nhiều năm qua.

Singapore: Mediacorp hợp tác công ty mạng Outbrain

Mediacorp, hãng truyền thông hàng đầu tại Singapore, vừa ký hợp đồng 2 năm với Outbrain để triển khai giải pháp thu hút người dùng mới nhất của công ty mạng này xuyên suốt các kênh truyền thông – từ trực tuyến, truyền hình, phát thanh, báo in cho đến quảng cáo ngoài trời (out-of-home).

Quá trình triển khai cho phép Mediacorp tiếp cận nền tảng của Outbrain để thu hút và gia tăng độ tương tác với người dùng tiềm năng, cũng như trích xuất các phân tích dữ liệu, và từ đó tận dụng triệt để các cơ hội gia tăng thu nhập. Với thỏa thuận này, Mediacorp được quyền tiếp cận dịch vụ Visual Revenue của Outbrain cũng như sử dụng dữ liệu thành quả theo thời gian thực để cải thiện mức độ tương tác và gắn kết với người dùng.

Sigrid Kirk, Phó chủ tịch APAC của Outbrain, chia sẻ: Outbrain có xuất phát điểm là một sản phẩm đề nghị (recommendation product), nhưng với cam kết mạnh mẽ luôn đáp ứng tốt nhất nhu cầu của ngành công nghiệp, và nhờ liên tục cải tiến, chúng tôi nay đã phát triển theo định hướng là một nền tảng cá nhân hóa phục vụ nhiều thành phần trong ngành xuất bản, không những giúp đối tác linh hoạt chớp thời cơ từ thị trường số mà còn không ngừng mang lại những trải nghiệm nội dung người dùng mong mỏi.”

Còn Low Boon Kiat, người đứng đầu nhóm hợp tác của Mediacorp thì kỳ vọng “vào khả năng tương tác sâu hơn với nhóm khách hàng mục tiêu nhờ vào việc sử dụng nền tảng phân tích dữ liệu mạnh mẽ và tính năng nâng cao hiệu suất nội dung theo thời gian thực của Visual Revenue.”

Trung Quốc: Người tìm việc chú trọng danh tiếng của thương hiệu

Theo một khảo sát của ManpowerGroup Solutions, 72% ứng viên tại Trung Quốc khẳng định thương hiệu và danh tiếng công ty hiện nay quan trọng hơn thời điểm 5 năm trước.

Tỷ lệ này tại Trung Quốc cao hơn mức trung bình toàn cầu khoảng 56%. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận trong số 4.500 người tìm việc đến từ 5 quốc gia tham gia khảo sát, bao gồm cả Úc, nơi có 48% ứng viên đồng ý rằng yếu tố thương hiệu ngày càng quan trọng.

Một số ứng viên xếp hạng “thương hiệu” vào ba yếu tố hàng đầu khi ra quyết định chọn lựa nghề nghiệp. Khảo sát cho thấy những người này nhiều khả năng thuộc thế hệ Millennials, có độ tuổi từ 25 đến 34, với 10 đến 12 năm kinh nghiệm.

Tại Trung Quốc, 9 trên 10 ứng viên xem-trọng-thương-hiệu thuộc lứa tuổi Millennials, hầu hết dựa vào các phương tiện truyền thông xã hội để tìm hiểu công ty muốn ứng tuyển. Trong khi ở Úc, tỷ lệ ứng viên xem-trọng-thương-hiệu là 1/5, đa số cũng thuộc thế hệ Millennials.

Sue Howse, tổng giám đốc ManpowerGroup Solutions’ ANZ, phân tích: “Thông tin ngày càng minh bạch và dễ tiếp cận đã cho phép thế hệ Millenials đánh giá thương hiệu và văn hóa tổ chức nhanh chóng và triệt để hơn bao giờ hết. Nếu tổ chức không chủ động tiếp cận với ứng viên một cách tích cực thông qua các kênh tương tác khác nhau, ứng viên sẽ tự giả định và ra quyết định dựa trên thông tin họ có”.

Howse nói thêm, “sự tin tưởng giữa nhà tuyển dụng và người lao động” là cách hiệu quả nhất để xây dựng thương hiệu. Theo cô, “cách đăng tin tuyển dụng rồi chờ người tìm việc nộp đơn đã lỗi thời. Nhà tuyển dụng phải tận dụng ngay đội ngũ nhân viên hiện có – là những nguồn tin đáng tin cậy và có sức ảnh hưởng nhất đối với ứng viên và các nhân viên mới tiềm năng – để chủ động truyền đạt câu chuyện về thương hiệu và thể hiện văn hóa tổ chức ngay trong đời thực cũng như qua truyền thông xã hội”.

Howse cũng cảnh báo: “Những doanh nghiệp chọn cách không sử dụng, hoặc không nhận ra tác động trực tiếp của các nguồn lực quan trọng trên đối với thương hiệu, sẽ có nguy cơ bị tụt hậu”.

Dentsu bổ nhiệm Giám đốc dữ liệu khu vực Úc và New Zealand

Tập đoàn Dentsu Aegis Network vừa tuyên bố bổ nhiệm Giám đốc dữ liệu mới cho khu vực Úc và New Zealand (ANZ) – ông Philip Zohrab – nhằm đẩy mạnh chiến lược dữ liệu toàn cầu của công ty tại thị trường địa phương.

Trong vai trò mới, Zohrab sẽ phối hợp với mọi Agency của Dentsu để mở rộng năng lực và công nghệ hiện có, cũng như xây dựng các phát kiến mới xung quanh dữ liệu.

Simon Ryan, CEO khu vực ANZ của Dentsu Aegis Network, nhận định: “Dữ liệu là nguồn lực mới của doanh nghiệp và là yêu cầu không thể thiếu với mọi Agency và mọi dịch vụ mà chúng tôi cung cấp cho khách hàng. Vai trò của Phillip là điều hành đội ngũ tại địa phương thông qua việc chuyển đổi và phát triển liên tục nhằm mang lại những giải pháp hàng-đầu-thị-trường dựa trên dữ liệu”.

Theo Simon Ryan, Zohrab rất giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tìm kiếm, tiếp thị thành quả, vận hành và trực quan hóa dữ liệu. Là một người New Zealand, vị giám đốc dữ liệu mới này từng là giám đốc điều hành tại Singapore của iProspect – một công ty hàng đầu trong lĩnh vực tìm kiếm và truyền thông số.

(Theo Exchangewire)

Related Posts