ANTS
 20/11/2015

Xây Dựng Nền Tảng MarTech Cho Doanh Nghiệp

Xây Dựng Nền Tảng MarTech Cho Doanh Nghiệp

Làm cách nào để xây dựng một cấu trúc MarTech (công nghệ tiếp thị) vững chắc? Bài viết sẽ tóm gọn 3 thành phần quan trọng Marketer không thể bỏ qua khi đề cập đến một nền tảng MarTech vững chắc trong tổ chức.

Có thể nói cấu trúc MarTech trong tổ chức chính là kết tinh giữa 2 bộ phận: bộ phận Marketing (mà đứng đầu là CMO) và bộ phận công nghệ (đứng đầu là CTO).  Một cấu trúc MarTech lý tưởng sẽ bao gồm nhiều công cụ khác nhau với nhiệm vụ thu thập, lưu trữ dữ liệu và vận dụng chúng để triển khai các chương trình tiếp thị được tùy biến, theo một qui trình được tự động hóa (automated) và có khả năng đo lường (measurable). Điều này cũng đồng nghĩa khách hàng hài lòng hơn vì họ có được chính xác thứ họ muốn tại đúng thời điểm và gia tăng khả năng mua hàng, doanh nghiệp cũng sẽ hạnh phúc hơn với nguồn lợi nhuận thu về. Tóm lại mọi người đều đạt được lợi ích.

Nhưng để đạt tới trạng thái này, Marketer cần phải đảm bảo họ đang xây dựng những viên gạch vững chắc cho nền tảng MarTech của tổ chức. Giống như việc không thể xây dựng một ngôi nhà vững chắc và tồn tại lâu dài trên một nền móng yếu ớt, nền tảng MarTech cũng đóng vai trò then chốt đối với hiệu quả tiếp thị và lợi nhuận dài hạn của tổ chức.

Để xây dựng một nền tảng MarTech bền vững cần 3 thành phần cơ bản là: hệ thống quản trị quan hệ khách hàng (CRM), cơ chế tự động hóa hoạt động tiếp thị (Marketing Automation) và hệ thống quản lý tag (Tag Management).

Cách xây dựng nền tảng MarTech

Một nguyên tắc cơ bản đối với ngành tiếp thị hiện nay là phải đặt khách hàng vào trọng tâm của mọi hoạt động. Do đó hệ thống CRM – nơi các thông tin về khách hàng được quản lý – chính là gốc rễ để bắt đầu xây dựng nền tảng MarTech.

  1. Hệ thống CRM

Hiện có đa dạng sự lựa chọn trên thị trường, từ hệ thống CRM của Salesforce chuyên cho các doanh nghiệp lớn (enterprise-level CRM, ví dụ như các tập đoàn đa quốc gia thường yêu cầu một gói giải pháp quản trị tổng thể cho toàn bộ qui trình hoạt động kinh doanh), cho đến một ứng dụng CRM chuyên biệt hơn như của Nimble dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB-level CRM, dành cho doanh nghiệp không đủ nguồn lực về vốn, chuyên gia và công nghệ vận hành một hệ thống lớn).

Cần lưu ý, có rất nhiều lựa chọn khi xây dựng hệ thống CRM, không nhất thiết sử dụng một công nghệ cụ thể.  Thị trường cung cấp đủ loại công nghệ, từ công nghệ tự động hóa, đồng bộ hóa, tổ chức mọi thứ từ dịch vụ khách hàng thực tế đến bán hàng và hỗ trợ kỹ thuật. Nhưng nhìn chung, một hệ thống CRM cần có khả năng định hướng khách hàng (customer-oriented), tự động hóa bán hàng (sales-force automation), công nghệ kho dữ liệu (data warehouse technology) để tổng hợp dữ liệu, và tính năng quản lý cơ hội (opportunity management).

  1. Tự động hóa hoạt động tiếp thị

Cách đây 3 năm, IBM thống kê có khoảng 2,5 tỷ GB dữ liệu được tạo ra mỗi ngày. Và xu hướng gia tăng này ngày một mạnh mẽ khi dung lượng dữ liệu được dự báo tăng gấp đôi mỗi 20 tháng. Với sự bùng nổ Big Data cộng với lượng người dùng khổng lồ di chuyển giữa đa dạng các thiết bị khác nhau, thì rõ ràng những giới hạn về khả năng của con người sẽ khiến chúng ta khó xử lý thông tin, chắt lọc giá trị và biến những dữ liệu này thành các hiểu biết giúp thúc đẩy hành động.

Chính vì vậy qui trình tự động hóa tiếp thị ra đời để hỗ trợ hoạt động Marketing triển khai hiệu quả hơn trên nhiều kênh giao tiếp trực tuyến khác nhau (như email, mạng xã hội, website,…) cũng như tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại trong tổ chức. Các nền tảng này giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất, cập nhật kịp thời các thay đổi trong mọi chiến dịch/hoạt động, và đặc biệt theo sát khách hàng tiềm năng (lead) trên mọi kênh giao tiếp nhưng vẫn bảo đảm dựa trên các tiêu chí được con người thiết lập.

  1. Quản lý Tag

Công cụ quản lý Tag (thẻ đánh dấu) là thành phần quan trọng cuối cùng để xây dựng nền tảng MarTech. Hoạt động Tagging cho phép tạo ra những kết nối giữa người dùng với các nền tảng hiện diện trực tuyến của thương hiệu. Hệ thống quản lý Tag sẽ giúp triển khai các và quản lý các Tag trên website dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Ngoài ra, hệ thống quản trị Tag cũng cho phép thương hiệu kiểm tra nhiều công cụ cạnh tranh khác nhau cùng một lúc và thu được dữ liệu thực sự để biết được đâu là công cụ tốt nhất.

Tạo cấu trúc MarTech linh hoạt trên nền tảng MarTech vững chắc

Sự bùng nổ trong tiếp thị đám mây với đa dạng sản phẩm – từ khai thác trang mạng xã hội, cung cấp hệ thống phần mềm dịch vụ (SaaS), cho thuê hạ tầng dịch vụ đám mây, đến cung cấp hạ tầng được thiết kế riêng cho doanh nghiệp (PaaS),… – được cho là đã lấp đầy mọi nhu cầu trong một tổ chức kinh doanh.

Tuy nhiên dường như các thành phần này lại khá rời rạc trong một hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ của doanh nghiệp. Thực tế các Advetiser vừa muốn sử dụng Experience Manager and Site Catalyst – phần mềm quản lý Web và đồ họa của Adobe, nhưng cũng đồng thời muốn thử Maxymiser – công cụ phân tích Web của Oracle, Silverpop – phần mềm dành cho tiếp thị email của IBM, Radian6 – phần mềm dành cho tiếp thị mạng xã hội của Salesforce và nhiều nền tảng MarTech khác nữa.

Để kết nối chúng lại với nhau, Marketer có thể sử dụng các phần mềm quản trị điện toán đám mây cao cấp như Ensighten, Tealium hay Signal từ các nhà cung cấp độc lập.

Những khả năng mới về tự động hóa và tiếp thị không ngừng được cập nhật theo thời gian, và doanh nghiệp cần phải biết cách triển khai mọi công cụ họ cần, tại bất cứ đâu họ muốn và sẵn sàng loại bỏ những thứ đã không còn hữu ích. Để làm được điều này, họ phải sử dụng những công cụ có thể phối hợp hài hòa với nhiều nền tảng khác để cùng hoạt động, thay vì chỉ bó buộc trong một hệ thống công nghệ nhất định.

Do đó, doanh nghiệp nên xây dựng một nền tảng MarTech của riêng mình với khả năng tùy biến và mở rộng linh hoạt, nhưng vẫn phải bắt đầu từ nền tảng với 3 cột trụ cơ bản là hệ thống CRM, cơ chế tự động hóa tiếp thị và hệ thống quản lý Tag.

Một khi có được nền móng MarTech vững chắc, thì sẽ đến thời điểm có thể nghiêm túc xây dựng phần còn lại của cấu trúc hạ tầng tiếp thị, sử dụng mọi công cụ xây dựng sẵn có như list building, blogging, retargeting, social hay tối ưu hóa landing page,…

Chính vì vậy đừng vội vàng xây dựng trên một nền tảng rời rạc và yếu ớt, hãy đảm bảo tính vững chắc từ nền móng và sau đó cấu trúc hạ tầng trong tổ chức sẽ  ngày càng được củng cố và phát triển.

(Theo www.marketingland.com)

Related Posts