Để Xây Dựng Thành Công Mô Hình Thu Thập Dữ Liệu Trên Di Động
Khi một ngành non trẻ như di động (Mobile) bắt đầu bùng nổ cũng chính là lúc những kênh tiếp thị của nó thu hút đầy những người chơi và công nghệ mới.
Điều này đồng nghĩa với việc quá trình thu thập dữ liệu người dùng di động dễ trở nên rời rạc – thậm chí hoàn toàn không hiệu quả – khi thương hiệu cố gắng tận dụng mọi công cụ sẵn có trên thị trường vào hệ thống của mình.
Dưới đây là một số lời khuyên giúp thương hiệu có thể chủ động dẫn dắt cuộc chơi nắm bắt dữ liệu trong thời đại Mobile là ‘vua’.
Chỉ hỏi những thứ thực sự cần
Đâu là phiền phức lớn nhất khi đề cập đến việc điền thông tin vào phiếu đăng ký khám bệnh hoặc hoàn thành một cuộc khảo sát?
Hãy đặt mình vào vị trí người dùng với những câu hỏi tương tự như trên. Thậm chí luôn nhắc đi nhắc lại trong đầu về điều này để hiểu được cảm nhận của người dùng khi họ phải tiêu tốn thời gian điền quá nhiều thông tin vào các mẫu đơn trực tuyến (Online Form).
Các Form hiện nay dễ mắc sai lầm khi chứa quá nhiều câu hỏi. Dường như thương hiệu đang cố gắng lấy được càng nhiều thông tin người dùng càng tốt. Tuy nhiên khi bị quá tải, người dùng có xu hướng từ bỏ và kết quả là chẳng có thông tin nào được thu thập. Chính vì vậy Form chỉ nên hỏi những điều thực sự cần thiết.
Nói ngắn gọn, dữ liệu lý tưởng đơn giản là những thông tin thực sự hữu ích về người dùng – những thông tin sẽ được sử dụng để truyền đạt những nội dung phù hợp và được cá nhân hóa cho người dùng. Trong trường hợp lượng thông tin thực sự cần hỏi quá lớn, hãy thử bố trí xen kẽ các câu hỏi theo thời gian, thay vì dồn tất cả trong một Form.
Hãy minh bạch
Người dùng ngày càng thông minh và cảnh giác với việc các thương hiệu đang thu thập thông tin từ họ.
Thay vì tạo ấn tượng như những kẻ vụng trộm khi cố che dấu mục đích thực sự, hãy thẳng thắn với người dùng bằng một thỏa thuận, trong đó người dùng cung cấp nhiều thông tin cá nhân hơn để đổi lại thương hiệu mang đến nhiều nội dung phù hợp và nhanh chóng hơn.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng người dùng có nhiều khả năng sẽ chia sẻ thông tin nếu biết mục đích thương hiệu định làm với chúng và giá trị trao đổi mà họ nhận được.
Giúp người dùng “hủy đăng ký” dễ dàng
Không chỉ cải thiện quá trình đăng ký nhận thông tin, thương hiệu cũng phải mang lại thuận tiện cho người dùng khi họ muốn dừng việc nhận thông tin (unsubscribe). Không gì có thể làm cho một người dùng chán ngán nhiều bằng việc cứ tiếp tục nhìn thấy các email hoặc nội dung mà họ không muốn.
Do đó nếu nút ‘Unsubscribe’ được bố trí ở vị trí quá khó thấy, thương hiệu không chỉ gây thất vọng không cần thiết cho người dùng mà còn có thể khiến người dùng nghĩ rằng họ đang bị lợi dụng.
Lưu trữ và xử lý dữ liệu một cách có trách nhiệm và đúng luật
Khi một tổ chức nhận được ủy thác thông tin cá nhân của người dùng, họ phải có trách nhiệm lưu trữ chúng an toàn.
Bất kỳ một thông tin nhận dạng cá nhân nào cũng cần được mã hóa để phòng ngừa trường hợp bị xâm phạm. Với hành động này, thương hiệu đã tạo được vòng bảo vệ 2 lớp cho thông tin khách hàng. Trong trường hợp muốn đánh cắp dữ liệu, hacker vừa phải bẻ khóa để tiếp cận được các thông tin nhận dạng cá nhân, vừa phải giải mã những dữ liệu này mới có thể sử dụng.
Ngoài ra, nhắc nhở người dùng rằng thương hiệu đang lưu trữ thông tin của họ một cách cẩn thận cũng là một ý tưởng hay. Ví dụ mỗi quí một lần, thương hiệu có thể cập nhật nhanh chóng cho người dùng về những chính sách sử dụng và thu thập dữ liệu được làm mới, và cung cấp những phương pháp thuận tiện để họ sử dụng quyền được từ chối cung cấp dữ liệu (opt out) nếu không thích.
Chuẩn hóa và sắp xếp dữ liệu
Dù bản thân qui trình thu thập dữ liệu không nhất thiết phải được chuẩn hóa, nhưng trường hợp lý tưởng nếu được chuẩn hóa nó sẽ đem lại hiệu quả trong việc tổ chức dữ liệu.
Hãy đảm bảo lúc cần thương hiệu có thể khớp một cách chính xác những customer ID (mã nhận dạng khách hàng) khác nhau cùng đại diện cho một người dùng. Nếu làm được như vậy, thương hiệu sẽ dễ dàng sắp xếp những dữ liệu thu thập được trước khi tiến hành lưu trữ chúng.
Cung cấp những phần thưởng tức thời
Người dùng di động quen với việc có được thứ họ muốn ngay lúc phát sinh nhu cầu. Để đổi lấy những thông tin cá nhân được cung cấp thông qua thiết bị di động, thương hiệu có thể triển khai cơ cấu ‘thưởng nóng’ cho người dùng.
Điều này sẽ khuyến khích người dùng không chỉ cung cấp thông tin ngay lập tức mà còn quay trở lại cung cấp thêm thông tin để tìm thêm phần thưởng.
“Game hóa” quá trình thu thập dữ liệu
Đôi khi tâm lý người dùng đóng một vai trò khá quan trọng nhưng thương hiệu vô tình không chú ý đến.
Hãy lấy một ví dụ đơn giản về việc cho trẻ ăn. Theo bạn cách nào hiệu quả hơn – cố ép trẻ ăn hết khẩu phần trong khi nó gào khóc hay phân tán chú ý của trẻ bằng những trò chơi, hình ảnh hấp dẫn trong lúc khuyến khích trẻ ăn một cách vô thức?
Rõ ràng hầu hết mọi trường hợp, cách thứ hai luôn hiệu quả hơn. Quá trình thu thập dữ liệu cũng tương tự như vậy. Lời khuyên là thay vì tạo áp lực, hãy mang đến cho người dùng một môi trường thoải mái với những trò chơi phân tán sự chú ý, họ sẽ tự động cung cấp thông tin.
Những kênh thu thập dữ liệu ngày càng thay đổi nhưng người dùng thì vẫn vậy, họ vẫn tuân theo những quy tắc hành vi và tâm lý nhất định. Khi có thắc mắc, hãy sử dụng những phán đoán dựa trên tâm lý hành vi người dùng và tận dụng các công nghệ sẵn có để hợp lý hóa quá trình thu thập thông tin.
Nếu làm đúng những lời khuyên trên, thứ thương hiệu nhận được có thể còn lớn hơn cả các dữ liệu – đó là lòng trung thành từ khách hàng.
(Theo www.econsultancy.com)