Thông Tin Số Dư Tài Khoản Tín Dụng Có Được Sử Dụng Cho Mục Đích Quảng Cáo?
Ý tưởng sáng chế được đăng kí bản quyền mới đây của Apple liên quan đến công nghệ phân phối quảng cáo cho lĩnh vực di động – theo đó sáng kiến này đề cập đến việc nhắm mục tiêu quảng cáo (Targeting) dựa trên nguồn thông tin số dư tài khoản và hạn mức tín dụng của người dùng tại các ngân hàng và định chế tài chính.
Công nghệ này vừa công bố đã dấy lên những tranh cãi trên khắp các diễn đàn. Và kéo theo đó, đã có những tựa báo gây hoang mang cho người dùng như: “Apple có thể kiểm tra số dư thẻ tín dụng để quảng cáo sản phẩm cho phù hợp với đối tượng người mua có đủ khả năng tài chính”, “Apple đang triển khai một hệ thống thương mại điện tử mới dựa trên thông tin số dư thẻ tín dụng”, “Sáng chế mới của Apple sẽ phục vụ quảng cáo dựa trên thông tin số dư thẻ tín dụng”, hay “Apple có thể bắt đầu hiển thị quảng cáo dựa trên thông tin số dư tài khoản”,….
Câu hỏi đặt ra là liệu ý tưởng này có thực sự khả thi, đặc biệt đối với những nước có nền tài chính phát triển mạnh như Mỹ? Ít nhất hiện tại thì “Không”.
Ý tưởng bất khả thi
Rõ ràng với những qui định về bảo mật, đặc biệt trong lĩnh vực nhạy cảm như tài chính cá nhân thì không có cách nào dễ dàng để những doanh nghiệp như Apple tập hợp được thông tin số dư tài khoản của khách hàng tại các nhà băng hay định chế tài chính thông qua các hệ thống và nền tảng thanh toán di động sẵn có của mình (Ví dụ như Apple Pay).
Tương tự, một doanh nghiệp thương mại cũng không thể truy xuất thông tin số dư tài khoản thẻ tín dụng của khách hàng, kể cả khi có dữ liệu về số thẻ.
Ngân hàng và các định chế tín dụng chỉ báo cáo số dư tài khoản cho khách hàng hoặc cơ quan chuyên về quản lý tín dụng trong trường hợp cần thiết. Vì thế những thông tin này hầu như chỉ có trên các báo cáo tài chính cá nhân, và việc báo cáo này cũng được điều tiết bởi các cơ quan chức năng ở mức độ cao.
Do đó, thật khó có thể tin là Apple có chủ ý thu thập các báo cáo tín dụng cho mục đích Targeting quảng cáo, thậm chí cả khi thị trường có nhu cầu.
Ngay cả Cục quản lý tín dụng (“Credit bureaus”- chuyên thu thập thông tin về khả năng thanh toán của cá nhân/ tổ chức, cung cấp cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ ra quyết định cấp tín dụng) cũng có lồng ghép dữ liệu của họ vào các sáng tạo trong hoạt động nhắm mục tiêu quảng cáo, nhưng khác với các trường hợp trên, việc triển khai này chỉ liên quan đến những dữ liệu nhân khẩu học không thể nhận biết ở mức độ cá nhân mà đã được tổng hợp lại từ các dữ liệu thô. Họ không thực hiện Targeting các khách hàng đơn lẻ vì điều này chắc chắn là không hợp pháp.
Bên cạnh đó, giả sử đến một thời điểm mà Apple có thể thu thập được các thông tin trên, thì ý tưởng này vẫn không thể phát huy được hết ưu điểm bởi vì hầu hết mọi người đều có một vài thẻ tín dụng và cùng lúc vẫn sử dụng tiền mặt. Thậm chí nếu Apple có toàn bộ thông tin về số dư của từng thẻ kết nối với Apple Pay, điều này cũng không nói lên được đó là toàn bộ khả năng tài chính hiện có của người dùng.
Điều tốt nhất Apple có thể làm là dự báo về khả năng chi tiêu trong tương lai của khách hàng dựa trên lịch sử và hồ sơ giao dịch trước đó, chỉ giống như các chủ cửa hàng đã làm trong thế giới thực kể từ thời mà thương mại mới được hình thành.
Nhưng không phải là một ý tưởng tồi
Dù vậy, Apple đang thực sự sở hữu nguồn dữ liệu dồi dào với sức mạnh khó có thể dự đoán. Ví dụ thông tin về số dư trả trước có thể được sử dụng kết hợp với thẻ quà tặng mà Apple phát hành để nhắm đến tập khách hàng mục tiêu (dĩ nhiên hẹp hơn nhiều so với tập dữ liệu về toàn bộ khách hàng có tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng).
Có quá nhiều quảng cáo ngày nay chỉ tập trung vào việc kích thích ham muốn của người tiêu dùng, thậm chí cả khi người tiêu dùng không thể mua do hạn chế về khả năng tài chính. Chính vì vậy, mặc dù sự thật là chắn chắc sẽ không thể nhắm khách hàng mục tiêu dựa trên thông tin số dư, hạn mức thẻ tín dụng, nhưng động lực đằng sau ý tưởng của Apple rất đáng để xem xét – nó đảm bảo rằng khách hàng sẽ không phải thấy những quảng cáo cho những sản phẩm mà họ chắc chắn không đủ khả năng tài chính để tiếp cận. Đây là điều mà nhà quảng cáo nên suy nghĩ nhiều hơn nữa để tìm ra giải pháp vẹn toàn.
Nhà quảng cáo có thể không có khả năng tiếp cận dữ liệu từ các báo cáo tín dụng bảo mật, nhưng ngày càng có nhiều cách để tiếp cận với nguồn chính chủ và nguồn độc lập liên quan đến các thông tin này – từ đó có thể giúp suy ra đâu là những người dùng thực sự có khả năng tài chính để mua hàng. Chắc chắn còn nhiều thứ phải xem xét xung quanh việc áp dụng công nghệ mới này.
(Theo www.econsultancy.com)