ANTS
 11/01/2016

7 Bài Học Marketing Trong Năm 2015

7 Bài Học Marketing Trong Năm 2015

Hãy cùng điểm lại những thay đổi quan trọng trong lĩnh vực marketing năm vừa qua để rút ra những bài học làm hành trang cho năm mới.

Những đúc kết sau đây xoay quanh một chủ đề chung: chúng ta đang thực sự sống trong một kỷ nguyên mới của marketing – marketing tương tác. Do đó, những thay đổi quan trọng trong năm 2015 cơ bản đã định hình lại cách chúng ta kết nối với khách hàng tiềm năng, cũng như cách chúng ta cơ cấu lại tổ chức để mang đến thành công.

Để kết nối với người dùng luôn trực tuyến như hiện nay và phát triển mạnh trong năm 2016 và xa hơn nữa, Marketer cần đổi mới, sáng tạo, tiên phong và là tác nhân thay đổi trong tổ chức của mình. Marketer cần tạo nên một thế giới “Marketing đi đầu”.

Hoạt động tiếp thị đã thay đổi mạnh mẽ trong 5 năm qua và sẽ còn thay đổi nhiều hơn trong 5 năm sắp tới. Tương lai sẽ mang lại cơ hội để định hình sự thay đổi này và vai trò tiên phong cho tất cả các Marketer, đội ngũ bán hàng, khách hàng, đối tác và các CEO.

Sau đây là 7 yếu tố marketing quan trọng – không theo thứ tự trong năm vừa qua:

1. Marketing tương tác, không phải marketing đại trà

Đây là chủ đề trọng tâm nhiều năm qua, nhưng nó thực sự lớn mạnh trong năm 2015. Những thương hiệu thông minh và thành công nhất không nhắm mục tiêu người dùng với các thông điệp tương tự lặp đi lặp lại.

Hãy lấy các đội thể thao làm ví dụ minh họa. Họ đã làm tốt chiến lược này khi thành công trong việc tạo ra cuộc đối thoại với người hâm mộ và tương tác vượt khỏi khuôn khổ trận đấu. Bằng việc quan sát một fan hâm mộ bóng đá đưa cả gia đình mình đến tham dự các giải đấu lớn hàng năm trong suốt sáu năm qua, các đội có thể tiếp thị hiệu quả hơn xung quanh trận đấu đó và các hoạt động khác xung quanh gia đình. Họ đã bắt đầu nói chuyện với “cá nhân” đó thay vì nhóm lớn những người hâm mộ chung chung.

Giờ đây cuộc chơi đã chuyển từ thế giới của các dữ liệu độc lập – nơi các thông điệp chung chung được gởi tới một đối tượng bất kỳ, sang thế giới “chính chủ” – nơi Marketer và tổ chức là những người nắm giữ các thông tin về hành vi và nhân khẩu học cá nhân. Điều này cho phép họ thực hiện mọi tương tác – kể cả quảng cáo trả tiền – hoàn toàn phù hợp và được cá nhân hóa. Hãy suy nghĩ về khách hàng tiềm năng!

2. Toàn bộ vòng đời khách hàng, chứ không chỉ câu khách

Sự thay đổi thứ hai đó là tổ chức marketing chịu trách nhiệm và là nhân tố thúc đẩy toàn bộ vòng đời  khách hàng chứ  không chỉ phần đỉnh của phễu marketing.

Nhiều tổ chức có đội marketing “câu khách” thậm chí không ở cùng tòa nhà với đội marketing “giữ khách”. Sau đó họ đã tháo dỡ cấu trúc này để ngồi lại làm việc với nhau.

Chúng ta muốn tìm những cách thức sáng tạo và tương tác để thu hút khách hàng mới, nhưng việc giữ khách hàng luôn hài lòng cũng quan trọng không kém, nếu không muốn nói là quan trọng hơn. Khách hàng càng gắn bó với chúng ta, tỷ lệ quay lại càng cao, và họ giúp mang đến khách hàng mới theo cách mà “marketing thông minh” không bao giờ có thể làm được.

3. Con người, chứ không chỉ B (Business) hay C (Customer)

Sự phân biệt trước đây về marketing đang dần biến mất. Nhiều Marketer B2C giờ mong muốn “tìm ra cách để nuôi dưỡng mối quan hệ như những gì mà các Marketer B2B đang làm“. Và, tương tự, nhiều Marketer B2B muốn “tìm ra cách tự động cá nhân hoá tất cả các thông điệp và nội dung trên các trang web giống như những gì Marketer B2C đang thực hiện“.

Nó không còn là vấn đề về cách chúng ta nhìn nhận bản thân (ví dụ, “Chúng ta bán cho khách hàng” hoặc “Chúng ta bán cho doanh nghiệp”), mà là cách khách hàng nhận diện chúng ta. Nó không chỉ có nghĩa các Marketer đang “vượt biên” để học hỏi lẫn nhau những biện pháp tốt nhất, mà còn có nghĩa họ đang áp dụng phương thức cá nhân hoá nhiều hơn để tương tác với “con người” ở đầu bên kia của các thông điệp tiếp thị.

4. Khách hàng, không phải các kênh

Năm nay nhiều Marketer nhận ra rằng khách hàng không sống trong kênh ảo nào đó, và họ đã phải suy nghĩ về “khắp mọi nơi”, “tích hợp” và “trao đổi”. Ví dụ, mặc dù chú trọng “ưu tiên di động – Mobile First”, nhưng cũng phải tránh rơi vào cái bẫy “chỉ có di động – Mobile only”.

Marketer nhận ra rằng thiết bị di động “thực sự chứa tối thiểu năm kênh khác nhau”. Chúng ta có thể đang sử dụng email hoặc mạng xã hội hoặc đang lướt web hay xem một kênh truyền hình – bên cạnh việc tương tác với một ứng dụng di động thực sự – tất cả được thực hiện trên cùng một thiết bị.

Mô hình tập trung vào marketing theo kênh dẫn đến trải nghiệm không liền mạch – và, thực sự gây phiền toái cho khách hàng. Chúng ta cần phải suy nghĩ về hệ thống marketing một cách tổng thể. Đối với năm 2016, nó không chỉ là về thiết bị di động hoặc email hoặc mạng xã hội – mà là tổng hợp các phương tiện và thúc đẩy khách hàng tiến về phía trước trong hành trình của họ.

5. Marketer đa năng, chứ không là chuyên gia

Dựa trên cơ sở trên, các Marketer ngày nay cần phải trở thành một bậc thầy với nhiều kỹ năng, thay vì chỉ chuyên trong một lĩnh vực hoặc kênh.

Mới đây, Lara Hood Balazs, giám đốc marketing của Visa tại Bắc Mỹ, trong cuộc trò chuyện với Marketo trên Mashable ví việc tìm kiếm tài năng của mình như tìm “chiếc dao đa năng Thụy Sĩ”, nghĩa là “người có thể dễ dàng luân chuyển qua nhiều công việc”. Những tài năng này rất hiếm, vì vậy việc huấn luyện Marketer trong năm mới sẽ được quan tâm nhiều.

Việc đào tạo này sẽ đi xa hơn các chiến thuật marketing truyền thống, bao gồm việc thuần thục các công nghệ marketing.

6. Kết hợp sức mạnh của Martech và AdTech

Trước đây “Martech” cũng như “Ad tech” dường như là hai mảng khác biệt đến mức Marketer không nghĩ có thể sử dụng kết hợp chúng cho hoạt động của mình. Chỉ khi thuật ngữ “Programmatic” trở nên thông dụng trong năm 2014, và qua đến năm 2015 khi “xu hướng hội tụ của MarTech và AdTech” được bàn luận rôm rả, thì mọi thứ mới bắt đầu thay đổi..

Đây là một bài học đặc biệt trong năm 2015 – thế giới của hoạt động quảng cáo trả phí có thể (và nên) gắn kết trực tiếp với hoạt động tiếp thị trực tiếp cũng như với khả năng kết nối đến từng cá nhân người dùng. Kết quả là khả năng cá nhân hóa quảng cáo phát triển hơn bao giờ hết.

Ví dụ, việc gửi một thông điệp phù hợp đến một người cụ thể qua một quảng cáo trả tiền trên Facebook không nên khác biệt với việc gửi cho họ một email. Trong thực tế, sẽ rất tuyệt vời nếu chúng ta có thể gửi cho người dùng này một email phù hợp dựa trên hành vi lướt web cho thấy họ có sự quan tâm tới sản phẩm X, và sau đó nếu họ mở email này, thông điệp quảng cáo tiếp theo sẽ tự động hiển thị trên Facebook của họ – nhưng, giả sử họ không mở email đó, liệu thông điệp ban đầu có được đưa vào quảng cáo trả tiền?

Điều này cũng có nghĩa là chi tiêu marketing sẽ được giám sát theo những cách thức mới. Thay vì ném hàng đống tiền vào Programmatic và khách hàng phù hợp với hồ sơ cụ thể, nhưng có thể hoặc không quan tâm đến sản phẩm, chúng ta sẽ có thể chi tiêu tốt hơn vào những khách hàng thực sự quan tâm và có nhiều khả năng mua hàng.

7. Hiện tượng “Marketing đi đầu” phổ biến toàn cầu

Cho dù ở đâu, tất cả các Marketer thông minh ngày nay đang phải đối mặt với cùng những thách thức mà kỷ nguyên kỹ thuật số mới đặt ra. Họ đều nói về những bài học và các vấn đề đã nêu ở trên – những thứ không bị cô lập trong một khu vực địa lý cụ thể, một phân khúc hay ngành nghề, hoặc quy mô của công ty.

Mặc dù có những thay đổi và thách thức, nhìn chung những Marketer nào có tư duy “Marketing đi đầu” sẽ chứng kiến những kết quả tốt nhất và tạo nên những cơn sóng lớn nhất. Điều này sẽ không xảy ra chỉ qua một đêm – phải bỏ ra nhiều công sức và lập kế hoạch – nhưng nếu chúng ta đầu tư từ bây giờ, và nếu cam kết thực hiện một trong những bài học này trong năm 2016, kết quả sẽ xứng đáng.

(Theo ww.marketingland.com)

Related Posts