ANTS
 16/07/2016

‘Cơn Sốt’ Pokémon Go Và Cơ Hội Tiếp Thị Dựa Trên Vị Trí Dành Cho Thương Hiệu

‘Cơn Sốt’ Pokémon Go Và Cơ Hội Tiếp Thị Dựa Trên Vị Trí Dành Cho Thương Hiệu

Dường như công nghệ tương tác ảo (AR – Augmented reality) đã tạo được một cú hích lớn nhờ sự ra mắt của Pokémon Go, ứng dụng game đã nhanh chóng trở thành xu hướng chỉ sau một đêm. Trong lúc người dùng có một công cụ giải trí vui ngất trời mây, thì các marketer cũng bắt đầu nhen nhóm định hướng tiếp thị dựa trên vị trí của khán giả mục tiêu (location-based).

Đây chính là cơ hội tuyệt vời để triển khai các chiến dịch tiếp thị dựa trên vị trí người dùng và hứa hẹn đem lại nguồn lợi nhuận mà bất cứ marketer nào cũng mơ ước”, Steven Rosenblatt, chủ tịch công ty công nghệ Foursquare nhận định.

Pokémon Go là sản phẩm kết hợp giữa tập đoàn game hùng mạnh của Nhật Bản Nintendo và nhà phát triển phần mềm game đến từ Mỹ Niantic. Trò chơi tương tác ảo này mang lại sự tích hợp giữa camera trên di động, bản đồ thực tế nơi người dùng đang sinh sống, các cảm biến và một số tính năng độc đáo khác nhằm đưa người dùng đến với những trải nghiệm sự thú vị của quá trình săn tìm những chú Pokemon ảo ngay trong thế giới thực. Hấp dẫn hơn, Pokemon sau khi bị thu phục có thể được huấn luyện, thách đấu và đánh bại các Pokemon của người dùng khác.

Không khó để thấy được sức mê hoặc của trò chơi này bởi chỉ chưa đầy một tuần kể từ khi ra mắt, đã có hơn 7,5 triệu lượt download, gần 11% thiết bị Android cài đặt ứng dụng (trong đó 60% người dùng sử dụng game hàng ngày) chỉ tính riêng tại thị trường Mỹ. Không ngoa khi nói Pokémon Go đã trở thành một hiện tượng và mang lại cho nhà phát triển nó danh tiếng lẫn tiền bạc chỉ sau một đêm.

Tuy nhiên câu chuyện không chỉ dừng lại ở thành công của một ứng dụng game. Đặc trưng của Pokémon Go là chỉ khả dụng trong môi trường GPS, điều này có nghĩa người dùng phải bật dịch vụ định vị vị trí của mình nếu muốn chơi. Đây chính là điểm thú vị nhất từ góc nhìn của một chuyên gia tiếp thị quảng cáo.

Theo một số người nó có thể tạo ra nhiều rắc rối liên quan đến vấn đề dữ liệu cá nhân. Điển hình như trường hợp của Al Franken – một thượng nghị sĩ đảng cộng hòa – đã viết hẳn một bức thư gởi đến CEO của Niantic để bày tỏ mối quan ngại về chính sách bảo mật và chia sẻ dữ liệu của công ty.

Nhưng với số khác Pokemon Go chính là cơ hội, và như David Staas – chủ tịch của nền tảng quảng cáo Mobile Programmatic NinthDecimal chia sẻ thì “Dĩ nhiên khi đăng nhập tài khoản trò chơi, người dùng phải hiểu rõ họ đang làm gì và những dạng thông tin cá nhân nào đang được chia sẻ. Với tôi, đây là bước tiến hóa tiếp theo trong quá trình hội tụ giữa thế giới thực và thế giới kỹ thuật số. Và người dùng chắc chắn sẽ yêu thích những trải nghiệm có được từ quá trình kết hợp độc đáo này”.

Người dùng vui vẻ và tự nguyện tham gia, còn các thương hiệu nhận thấy cơ hội kinh doanh từ đó. Tuy vậy, trước tiên các CMO phải tập làm quen với một số thuật ngữ mới mẻ của trò chơi để đảm bảo có thể sử dụng đúng trong các chiến dịch tiếp thị của mình.

Pokemon Go là game mô phỏng chính người dùng và bản đồ nơi họ đang đứng, sử dụng GPS để hướng dẫn chính xác địa điểm và đưa ra gợi ý về vị trí Pokemon đang ẩn nấp. PokéStops là một địa điểm quan trọng được đánh dấu bằng một điểm màu xanh trên bản đồ, nơi người dùng có thể thu thập được các vật phẩm để thu phục hoặc nâng cấp (power-up) Pokemon. Hay Pokémon Gyms là nơi luyện tập và chiến đấu theo đội nhóm giữa những người chơi. Ngoài những tính năng cơ bản được miễn phí, người dùng còn có thể mua một số tính năng hoặc vật phẩm nâng cao bán kèm để hỗ trợ quá trình bắt Pokemon. Ví dụ như ‘lure modules’ – công cụ thả thính giúp Pokemon tụ tập đến PokéStops trong vòng 30 phút.

PokéStops và Gyms là những địa điểm trong thế giới thực, do đó các thương hiệu hoặc cửa hàng có thể trả tiền để tên của mình được chỉ định là điểm đến mà những người chơi đang tìm kiếm. Đây là cơ sở hình thành các chiến dịch quảng cáo cho thương hiệu dựa trên vị trí địa lý (location-based). Theo chia sẻ của CEO Niantic – John Hanke với The Financial Times thì các vị trí được tài trợ này sẽ sớm có mặt trong thời gian tới, với cơ sở tính phí dựa trên lượt người dùng ghé thăm địa điểm (cost-per-visit).

Trong khi chờ đợi dịch vụ này từ Niantic, tạm thời các thương hiệu có thể mua tính năng lure modules để thu hút Pokemon, qua đó hy vọng thu hút người chơi đến với các địa điểm có trụ sở kinh doanh của mình.

Ví dụ thương hiệu L’inizio’s Pizza Bar đã gia tăng doanh số tại cửa hàng trong khu Queens (New York) lên khoảng 33% chỉ với việc sử dụng Lure Modules. Bên cạnh cách làm tương tự để thu hút traffic, Huge Café tại Atlanta còn hỗ trợ những tiện ích và ưu đãi đi kèm như cung cấp chỗ sạc pin (vì Pokémon Go ngốn rất nhiều năng lượng) hay miễn phí một phần đồ ăn khi người dùng đưa ra hình ảnh bất cứ Pokemon nào thu phục được tại quán.

Ngoài ra các báo cáo từ phân tích mạng xã hội cho thấy nhiều người dùng ra quyết định lựa chọn nhà hàng dựa trên việc nó có nằm trong khu vực xuất hiện Pokemon hay không, thay vì theo thói quen. Tận dụng điều này, chuỗi nhà hàng Applebee đã tiến hành chiến lược đăng lại các nội dung tweet thu phục được Pokemon của khách hàng đến dùng bữa, hay đăng những hình ảnh tương tự trên Instagram.

blog_201607_con-sot-pokemon-go-va-co-hoi-tiep-thi-dua-tren-vi-tri-danh-cho-thuong-hieu_tweet

Kể cả khi các hoạt động này không trực tiếp thúc đẩy doanh số bán hàng thì ít nhất nó cũng có thể gia tăng độ nhận dạng thương hiệu một khi người dùng ghé đến những địa điểm họ chưa từng tới trước đó”, Trey Ditto – CEO công ty truyền thông Ditto cho hay.

Những dữ liệu vị trí và tín hiệu dự định của người dùng từ nguồn chính chủ vô cùng có giá trị đối với thương hiệu. “Pokémon Go đã đánh trúng tâm lý thích khám phá và trải nghiệm không gian ảo ngay trong thế giới thực của người chơi. Và nếu bạn là một marketer nhanh nhạy, bạn chắc chắn sẽ không muốn bỏ lỡ loại dữ liệu này bởi nó thật sự có sức mạnh to lớn. Bất cứ đâu có dự định, ở đó có cơ hội để nhãn hàng hiểu rõ hơn về hành vi người dùng của mình”, Rosenblatt kết luận.

Saas cho rằng “nếu Nintendo muốn mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực quảng cáo và thu hút được các nhãn hàng, họ sẽ phải nghiêm túc nghiên cứu và phát triển những dịch vụ quản trị và đo lường của riêng mình hoặc lựa chọn hợp tác với những đối tác công nghệ độc lập khác”. Nói cách khác, nhà phát triển game này nên có kế hoạch dài hơi để mang lại một nền tảng phục vụ quảng cáo thực sự – từ theo dấu vị trí, phân tích dữ liệu hành vi để tạo các phân khúc người dùng tiềm năng, nhắm mục tiêu, phân phối quảng cáo, tiến hành đo lường và báo cáo thành quả tiếp thị,…

Tuy vậy có vẻ những thiếu sót trong dịch vụ quảng cáo của Nintendo hiện tại dường như không thể ngăn các thương hiệu tiến hành những thử nghiệm tiếp thị với Pokemon Go, ít nhất là ở bước đầu.

Sáng tạo luôn đi kèm với rủi ro. Và khi bạn đặt một khoản cược nhỏ để thử nghiệm, không nhất thiết phải suy nghĩ quá nhiều về các biện pháp đo lường trừ phi những thử nghiệm này bắt đầu chứng minh hiệu quả và bạn cần gia tăng đầu tư cho nó một cách nghiêm túc hơn”, Rosenblatt giải thích.

Và thực tế cũng không có vẻ gì là Nintendo và Niantic sẽ ra mắt một nền tảng quảng cáo dựa trên game trong tương lai gần, đặc biệt khi mà theo ước tính hiện tại họ đang kiếm được ngót ngét gần 2 triệu USD một ngày chỉ nhờ vào việc bán các vật phẩm và tính năng nâng cao của trò chơi, David Shim – CEO của công ty chuyên cung cấp giải pháp Attribution Placed nhận định.

Có thể giống như nhiều ứng dụng game khác, hiện tượng Pokémon Go sẽ hạ nhiệt nhanh như cách nó xuất hiện, hoặc cũng có thể không. Nhưng Ditto cho rằng kể cả khi nó lụi tàn thì chí ít nó đã mang lại hai bài học giá trị về công nghệ AR dành cho marketer.

Thứ nhất, nó chỉ ra rằng AR “hoàn toàn có khả năng thúc đẩy người dùng hành động”. Giờ đây, AR không còn là công nghệ của tương lai mà đã thực sự trở thành một phần trong các chiến dịch tiếp thị. Thứ hai, hiện tượng này đã chứng minh tầm quan trọng của việc các thương hiệu và nhà bán lẻ phải có kế hoạch và tổ chức được một đội ngũ tiếp thị đâu vào đó để sẵn sàng chớp lấy cơ hội một khi có xu hướng mới bùng nổ trên thị trường.

Trong tương lai, Pokémon Go hứa hẹn sẽ còn đem lại nhiều phương thức quảng bá mới mẻ khác để tạo cơ hội cho thương hiệu gắn kết với người dùng. Tuy nhiên, khi làm việc với bất cứ kênh giao tiếp kỹ thuật số nào, marketer cũng cần hiểu rằng người dùng mới là người nắm quyền quyết định sau cùng. Chính vì vậy thương hiệu phải điều chỉnh cách tiếp cận để phù hợp với bối cảnh của người dùng, chứ không phải ngược lại”, Jeffrey Rohrs – CMO của công ty công nghệ Yext cho hay.

(ANTS)

Related Posts