Nội Bộ “Vững Tay Chèo”, Thành Công DMP
“Nỗ lực tại mọi điểm tiếp xúc trực tuyến có tiếp cận được khách hàng tiềm năng (Audience) hay không?” trở thành câu hỏi ngày càng quan trọng với người Marketer.
Chỉ trong vòng bốn năm gần đây tốc độ phát triển kinh ngạc của thiết bị số đã tạo nên bùng nổ nhu cầu truyền thông số (Digital Media). Theo báo cáo của ComScore (công ty phân tích truyền thông số) cung cấp: từ tháng 12/2010 đến tháng 12/2014 mức độ sử dụng Digital Media tổng cộng tăng 157%. Trong đó Smartphone tăng 394%, tablet 1.721% và desktop 37%”.
Hành vi người dùng hiện nay càng phức tạp bao nhiêu thì càng phải tiếp cận công nghệ quảng cáo và tiếp thị tinh vi hơn trước bấy nhiêu. Tâm điểm của xu hướng hội tụ dữ liệu chính là nền tảng quản lí dữ liệu tích hợp (Data Management Platform-DMP). Nó tiếp nhận và khai thác dữ liệu Audience từ nhiều nguồn khác nhau như dữ liệu chính chủ, dữ liệu bên thứ hai và thứ ba . Đồng thời đảm bảo nghiệp vụ phòng ban Marketing như phân loại khách hàng, cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa xuyên suốt các kênh tiếp thị số và hành trình mua sắm của khách hàng.
Thách thức cố hữu
Bên cạnh giá trị mang lại, triển khai và quản lý DMP luôn đi kèm với những thách thức. Thực tế trong nhiều tổ chức hiện nay, các kênh dữ liệu đầu vào cho DMP lại nằm rải rác từng bộ phận khác nhau, vận hành độc lập với rất ít tương tác.
Sức mạnh nền tảng DMP chỉ được phát huy khi có thống nhất của các bộ phận ở mọi qui trình từ nhập dữ liệu đầu vào, quản trị và vận hành dữ liệu đến đầu ra. Nói cách khác, việc triển khai một DMP đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu tổ chức để tạo nên sự gắn kết chặt chẽ xoay quanh trục tiếp thị định hướng theo đối tượng tiềm năng (Audience-Driven Marketing).
Một tổ chức Marketing muốn dự án DMP thành công cần tiếp cận triển khai theo hướng từ trên xuống (top-down). Phải đảm bảo các “bộ sậu” như giám đốc thông tin (CIO), giám đốc công nghệ (CTO) và giám đốc Marketing (CMO) tham gia. Nếu không được như thế, nhiệm vụ thu hút và gắn kết thương hiệu với Audience của DMP sẽ không đảm bảo hoàn thành.
Các nhân tố thành công
Bên cạnh thách thức đặc thù trong từng doanh nghiệp thì nhiệm vụ quan trọng đầu tiên mà mọi tổ chức muốn triển khai DMP thuận lợi là xác định và liên kết các bên nắm kênh dữ liệu thành một khối thống nhất.
Cụ thể hơn, đó là việc cam kết hợp tác chặt chẽ giữa trưởng bộ phận làm nội dung, nhóm phát triển traffic website, phát triển sản phẩm tương tác, chăm sóc khách hàng, đại lý bán lẻ… trong suốt thời gian triển khai, vận hành hệ thống DMP. Ngoài ra bộ phận pháp lý cũng cần có mặt ở giai đoạn đầu dự án nhằm thảo luận vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin và mức độ riêng tư của dữ liệu.
Kế đến là hàng loạt các quyết định liên quan tới kinh phí, cấu trúc nhân sự, đầu tư huấn luyện, thuê ngoài… luôn phải có nhiều phương án so sánh.
Nhân sự chuyên trách vận hành DMP sẽ đóng vai trò cầu nối giữa hai nhóm nội dung và quảng cáo. Trong khi các bộ phận còn lại cần phối hợp nhịp nhàng, tạo điều kiện cho từng cá nhân thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Mục tiêu nhận dạng được những điểm tiếp xúc của khách hàng và quyết định làm gì là nhân tố sau cùng ảnh hưởng đến thành công DMP. Nếu hiểu biết dựa trên dữ liệu không được tận dụng sẽ làm “bốc hơi” khoản đầu tư của doanh nghiệp. Chính vì thế các nhóm chức năng như sáng tạo, mua quảng cáo và tiếp thị nội dung cũng phải liên kết lại và tận dụng tối đa dữ liệu Audience sẵn có.
Đoàn kết các bộ phận nội bộ, khai thác lợi thế công nghệ và triển khai chiến lược Marketing dựa theo hiểu biết sâu về khách hàng là một công việc không hề đơn giản. Nhưng khi vượt qua được, “phần thưởng” dự án DMP đem lại là những con số tăng trưởng đáng kể cho doanh nghiệp.
(Theo www.adexchanger.com)