CEO Apple “bênh vực” Dữ Liệu Người Dùng
Trong nhiều năm nay, Apple đã nỗ lực cho công chúng thấy những cống hiến của mình trong việc bảo vệ dữ liệu người dùng, cũng như biến thông điệp về tính bảo mật thông tin trở thành yếu tố then chốt trong các hoạt động định vị thương hiệu. Tại sự kiện “Champions EPIC of Freedom” do Trung tâm Bảo mật Thông tin Điện toán (Electronic Privacy Information Center – EPIC) tổ chức đầu tháng 6/2015 ở Washington D.C., Tim Cook – CEO của đại gia công nghệ Apple – đã khuyến cáo các “đồng đạo” của Apple tại thung lũng Silicon về việc khai thác và lạm dụng dữ liệu khách hàng của họ.
Theo đó, trong một chia sẻ từ xa (Cook không có mặt trực tiếp tại sự kiện), Tim Cook đã nêu lên quan điểm: “Tôi đang nói chuyện với các bạn từ thung lũng Silicon, nơi một số công ty nổi bật và thành công nhất đã xây dựng sự nghiệp kinh doanh dựa trên việc ‘ru ngủ’ khách hàng để trục lợi thông tin cá nhân của họ. Những công ty này đang ‘ngấu nghiến’ mọi thứ họ biết được về người dùng, và cố gắng kiếm tiền từ đó. Chúng tôi cho rằng đây không phải là hướng đi đúng – và dĩ nhiên – đó không phải là mẫu hình công ty mà Apple hướng tới”.
Ông cũng nhấn mạnh thêm: “Apple không đi theo hướng cố gắng thu thập mọi thứ, vì vậy, chúng tôi không phải là mục tiêu cho những ai muốn tiếp cận và khai thác kiểu dữ liệu như thế này. Và đối với quy trình mã hóa, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những việc đúng đắn như trước đây vẫn làm. Trong kỷ nguyên mà mọi thông tin đều được số hóa, di động và được săn lùng hơn bao giờ hết, chúng tôi muốn xây dựng những sản phẩm có thể giữ an toàn cho thông tin cá nhân của khách hàng”.
Apple là một trong số ít công ty công nghệ quan tâm nhiều đến việc ngăn ngừa quá trình thu thập và phổ biến dữ liệu cá nhân của khách hàng. Ví dụ như trong năm 2014, Apple đã bắt đầu từ chối những ứng dụng di động thu thập số ID để nhận dạng người dùng cho mục đích quảng cáo (Apple IDFAs – Identifiers for Advertisers) – nhưng không chạy quảng cáo trên các ứng dụng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hoạt động theo dõi tinh vi khác đang diễn ra thông qua các thiết bị của Apple. Lấy ví dụ về Mobiquity Technologies, một trong những công ty sử dụng công cụ nhận dạng người dùng từ các thiết bị (VD: công cụ IDFAs trên nền tảng của Apple, hay Ad Identifier trên nền tảng Android). Công ty này sử dụng “beacon” (cảm biến không dây dùng sóng Bluetooth để định vị và thu nhận dữ liệu qua thiết bị di động) với chức năng như một “cờ hiệu”, được đặt khắp những khu vực ở trung tâm mua sắm nhằm đánh dấu các không gian có thể truyền dữ liệu. Chỉ cần khách hàng sử dụng các thiết bị di động có ứng dụng nhận dạng “beacon” và bước vào không gian này, họ sẽ bị cảm biến theo dấu dựa trên vị trí của mình. Thông qua một vài công nghệ hỗ trợ khác, những dữ liệu này sau đó có thể được kết nối với một số thông tin khác để chỉ ra những gì mà mọi người đang làm ở các cửa hàng trong khu vực được đánh dấu.
Tháng trước, khi tạp chí nổi tiếng về tiếp thị và truyền thông – AdAge trao đổi với Mobiquity về dự định của họ đối với toàn bộ dữ liệu thu thập được từ công nghệ iBeacon, thì Dean Julia – CEO của Mobiquity đã trả lời rằng: “Chúng tôi hy vọng sẽ kiếm tiền được từ những thông tin này”.
Có thể thấy, xu hướng “theo dấu vị trí” trên đã có được bệ phóng không thể coi thường để bùng nổ khi Apple giới thiệu công nghệ iBeacon của họ ra thị trường. Điều trớ trêu ở đây, chính là việc Apple lại dẫn đầu cuộc cách mạng di động này, góp phần lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi để lượng dữ liệu đồ sộ về khách hàng được thu thập – điều mà Tim Cook vẫn luôn cảnh báo người dùng.
Dẫu vậy, cũng đừng xem Apple là “đạo đức giả”, bởi vì công ty này vẫn là người dẫn đầu trong việc gắn chế độ bảo mật trong các công nghệ của mình. Tuy nhiên, cũng với việc phát triển những công nghệ di động mà quá nhiều người yêu thích và không thể sống thiếu, Apple đồng thời đã “tiếp tay” tạo nên những “con quái vật” mà chính Cook đang kêu gọi chống lại.
(Theo www.adage.com)