Trí Tuệ Nhân Tạo “Nâng Tầm” Hoạt Động Tiếp Thị Nhờ Dữ Liệu
Những ai là fan cuồng của thể loại phim khoa học giả tưởng ắt hẳn không xa lạ với “Lucy” – bộ phim được đạo diễn bởi Luc Besson, với sự góp mặt của kiều nữ Scarlett Johansson năm 2014. Nó gây ấn tượng khi khai thác đề tài hấp dẫn liên quan đến việc xử lý dữ liệu của não bộ con người. Chuyện gì xảy ra nếu một người bình thường, chỉ sử dụng khoảng 10% não bộ, giờ đây đạt được công suất tối đa 100%? Kết thúc phim là cảnh Lucy, từ một con người bình thường, trải qua biến cố thúc đẩy não bộ đạt tiềm năng tối đa, cuối cùng biến thành một thực thể có sự thông minh của con người và khả năng xử lý dữ liệu của một siêu máy tính.
Sẽ như thế nào nếu ‘Lucy’ thực sự hiện hữu và giúp marketer xử lý hiệu quả vô vàn dữ liệu trong tích tắc chỉ với một câu lệnh hoặc một dòng truy vấn văn bản giản đơn?
Bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết ý tưởng này đang dần trở nên không còn “giả tưởng”. Mới đây công ty Equals 3 đã ra mắt một sản phẩm AI với tên gọi Lucy, mà theo nhà điều hành Scott Litman dẫn lời là “độc nhất trên thị trường hiện nay. Lucy là một trí tuệ nhân tạo hoàn toàn khác biệt với giao diện người dùng tương thích cho mọi hệ thống marketing”.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi cha đẻ của ngành khoa học máy tính hiện đại là Alan Turing đặt câu hỏi về việc liệu máy tính có suy nghĩ hay không, cũng là lúc đặt nền móng đầu tiên cho Artificial intelligence (AI) – Trí thông minh nhân tạo. Nhiều năm sau đó, đã có rất nhiều sản phẩm ra đời và dần hiện thực hóa giấc mơ AI. Năm 2004, gã khổng lồ xanh về công nghệ thông tin IBM cho ra đời huyền thoại về hệ thống máy tính có khả năng nhận thức – IBM Watson. Siêu máy tính thế hệ mới này sở hữu các kỹ thuật cao cấp về xử lý ngôn ngữ tự nhiên, tìm kiếm thông tin, diễn đạt, lý giải tri thức, và học máy cho lĩnh vực trả lời các câu hỏi có phạm vi mở rộng.
Equals 3 đã xây dựng chương trình ứng dụng mang tên Lucy của mình dựa trên những kỹ thuật từ IBM Watson, nhưng thay vì phân tích mọi dữ liệu, nó trở thành cổng thông tin dành riêng cho hoạt động marketing. Có một trùng hợp thú vị đó là tên gọi Lucy thực ra lại không xuất phát từ bộ phim kể trên mà được lấy theo tên cháu gái của Thomas Watson – nhà sáng lập tài ba của IBM.
Equals 3 không có bất cứ thỏa thuận độc quyền nào với IBM trong việc sử dụng giải pháp Watson cho hoạt động marketing, tuy nhiên Litman cho biết công ty của ông đã tạo nên một thực thể độc nhất, Lucy, giữa hàng trăm giải pháp thương mại dựa trên hệ thống máy tính có khả năng nhận thức khác trên thị trường.
Theo đó, Lucy kết hợp 10 kỹ thuật điện toán máy tính cao cấp từng sử dụng trong IBM Watson – như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, truy vấn và xếp hạng tìm kiếm, tổng hợp tin tức, nhận dạng tính cách, hay phân tích chi phí cơ hội để hỗ trợ ra quyết định,… Litman cho biết những chương trình trên chưa từng được kết hợp với nhau cho đến khi Lucy xuất hiện. Thêm vào đó, Equals 3 còn bổ sung giao diện người dùng riêng cho hệ thống này, đồng thời tạo nên sự khác biệt so với các siêu máy tính khác nhờ được thiết kế chuyên biệt cho hoạt động marketing.
Với sự nâng cấp trên, giờ đây Lucy hoàn toàn có khả năng “hấp thụ” và “tiêu hóa” mọi loại dữ liệu, từ cấu trúc (structured data – các thuộc tính được định nghĩa sẵn như họ tên, giới tính,…) cho đến phi cấu trúc (unstructured data – dạng tự do và không có cấu trúc định sẵn như dữ liệu văn bản, tập tin video, hình ảnh, âm thanh,…), đến từ mọi nguồn được đăng tải hoặc có khả năng tiếp cận được thông qua loạt giao diện lập trình ứng dụng (API) của hệ thống Watson. Trong khi đó, thế hệ đầu tiên của IBM Watson về cơ bản chỉ tập trung xử lý các dữ liệu phi cấu trúc.
Litman cho biết trong một phút, Lucy có thể xử lý lượng dữ liệu nhiều hơn so với đội ngũ marketing làm trong một năm.
Lucy giờ đây đã sẵn sàng tích hợp vào các hệ thống dữ liệu giá trị đến từ Tổ chức nghiên cứu quảng cáo ARF, Hiệp hội tiếp thị Mỹ AMA (tất cả thành viên AMA đều có thể sử dụng Lucy để tìm kiếm các tài liệu của hiệp hội), Facebook, Kantar, Ipsos, Media Ocean, Nielsen, Omniture hay Twitter,…
Một doanh nghiệp thông thường có thể bổ sung (không giới hạn) vào hệ thống của Lucy các dữ liệu từ CRM, các nền tảng tiếp thị tự động hóa, PowerPoints, PDFs, các báo cáo nghiên cứu, bản tin nội bộ, dữ liệu thẻ tín dụng, hay các newsfeed trên mạng xã hội,… Lucy có thể xử lý cả dữ liệu người dùng cá nhân được định danh hoặc ẩn danh, nhưng chủ yếu tập trung vào loại đầu nhiều hơn.
Trong khi đó, đối với các các tập đoàn lớn (ví dụ như P&G) – với hàng loạt nhãn hiệu và tạo ra vô số dữ liệu từ website, các chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết, email, dữ liệu từ các agency, các báo cáo của Forrester hay Gartner, ….thì tối ưu hóa quá trình xử lý dữ liệu chính là chìa khóa thành công. Theo Litman, vì được thiết kế dành cho các thương hiệu thuộc top của Fortune 1000, Lucy có thể phát huy tối năng tiềm năng ở ba mảng trọng yếu thuộc hoạt động tiếp thị gồm: nghiên cứu thị trường, phân khúc người dùng và lên kế hoạch truyền thông.
Nghiên cứu thị trường
Hoạt động nghiên cứu thị trường của các tập đoàn lớn thường được tiến hành bởi một đội ngũ chuyên gia làm việc hàng tuần hoặc hàng tháng trước khi chắt lọc được thông tin giá trị phục vụ cho hoạt động ra mắt một dòng sản phẩm mới. Giờ đây mọi thứ đơn giản hơn rất nhiều chỉ với một marketer làm việc qua hệ thống Lucy để cho ra kết quả tương tự trong một ngày.
Marketer chỉ cần đặt câu hỏi cho Lucy dưới dạng văn bản, ví dụ như “Những khách hàng nào mua xe Tesla?”, câu trả lời sẽ hiện ra ngay lập tức như màn hình bên dưới:
Phân khúc người dùng
Nhờ khả năng xử lý dữ liệu vượt bậc, Lucy có thể phác họa chân dung người dùng tiềm năng ở mức độ tinh vi hơn rất nhiều.
Nó xác định những đặc trưng của người dùng từ dữ liệu, tiến hành quét và khớp với những người dùng trong nhóm mục tiêu được lọc theo vị trí địa lý, độ tuổi, thu nhập hay một số thông số khác. Từ đó đề xuất dạng thông điệp phù hợp nhất và có khả năng thúc đẩy tương tác cao nhất với người này dựa trên phân khúc đặc trưng.
Lên kế hoạch truyền thông
Lucy cũng có thể tạo nên một mô hình tiếp thị hỗn hợp lý tưởng, với những mô tả sinh động bằng hình ảnh và đồ thị, những kế hoạch chi tiết dành riêng cho mobile, web, TV, báo giấy và bất cứ kênh truyền thông số hoặc truyền thống khác. Giao diện của tính năng ‘planning’ sẽ có dạng như sau:
WPP và Havas Media là những tập đoàn truyền thông tiên phong sử dụng Lucy. Litman cho biết doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí thuê ngoài beta tester lên đến 75% nhờ sử dụng Lucy. Ông cũng dẫn chứng Havas đã giảm đáng kể chi phí thuê ngoài và tiến hành triển khai các chiến dịch nhanh chóng hơn.
Tốc độ triển khai Lucy cũng khác biệt với các hệ thống trước đây vì nó liên quan đến quá trình huấn luyện ‘cỗ máy’ này trở nên thông minh hơn. Thường sẽ mất khoảng vài tuần để làm quen với các đặc trưng trong hoạt động tiếp thị của một doanh nghiệp cụ thể và các dữ liệu liên quan, sau đó Lucy sẽ được huấn luyện để nhận thức được đâu là câu trả lời phù hợp ứng với mỗi truy vấn từ marketer. Sau khoảng một tháng, marketer có thể đánh giá được các phản hồi của Lucy có hữu ích hay không. Nếu các phản hồi không được đánh giá tốt, quá trình huấn luyện sẽ được lặp lại trong vòng 1 đến 2 tháng tiếp đó cho đến khi mức độ tin tưởng đạt từ 80 đến 90%.
Điểm mạnh của Lucy, theo Litman, chính là khả năng khoanh vùng và chỉ đưa ra những câu trả lời liên quan đến marketing từ vô số dữ liệu nó tiếp cận được. Equals 3 đang tiếp tục cải tiến và cập nhật để Lucy có thể cung cấp hiểu biết chuyên sâu hơn nữa (insight) trong thời gian sắp tới.
(Theo marketingland)