Publisher đẩy mạnh hoạt động thương mại
Condé Nast mới đây cho biết Style.com, phiên bản kỹ thuật số trước đây của tạp chí Vogue, sẽ được tung ra lại chuyên hoạt động thương mại điện tử, thêm một dấu hiệu cho thấy ranh giới mờ nhạt giữa hoạt động sản xuất nội dung và thương mại điện tử. Nhiều hãng báo chí hiện đang tìm cách khai thác lượng độc giả quí giá ngoài quảng cáo.
Monocle, vốn có các dịch vụ thương mại điện tử kể từ khi được thành lập vào năm 2007 đã gây ngạc nhiên dư luận khi nhảy sang offline, cho thấy ngành công nghiệp nội dung đi theo hướng thương mại nhiều hơn trong những năm gần đây.
Tyler Brûlé, nhà sáng lập và là tổng biên tập của Monocle, rất quan tâm đến việc tích hợp triết lý và phong cách của tờ báo vào hoạt động bán lẻ. “Giám đốc sáng tạo của chúng tôi chịu trách nhiệm cả về tạp chí, kênh phát thanh, lẫn mẫu mã bao bì và hệ thống cửa hàng. Họ biết rõ mọi thứ diễn biến ra sao và có được thông tin hỗ trợ qua lại”, Brûlé nói.
Tuy sản xuất nội dung và thương mại có thể xung đột, chẳng hạn như khi một công ty vừa là chủ đề nội dung tiềm năng vừa là khách hàng tiềm năng, nhưng Brule nhìn thấy những lợi ích quan trọng cho hoạt động nội dung từ chiến lược thương mại của công ty. Trực tiếp nhất là doanh thu.
Phần lớn doanh thu của Monocle từ các ấn phẩm giấy, nhưng “có một mối quan hệ trực tiếp giữa doanh thu và hoạt động bán lẻ”. Nói cách khác, doanh thu thương mại điện tử và cửa hàng “bảo kê” cho tác nghiệp báo chí tốn kém.
Monocle còn nổi tiếng với việc phát triển mạng lưới “văn phòng” quốc tế trong thời kỳ mà nhiều hãng báo chí tên tuổi phải cắt giảm khắp nơi trên thế giới, việc này Brûlé cho là phần nào nhờ hoạt động bán lẻ.
“Văn phòng của ở Hồng Kông có 14m2 dành cho bán lẻ và hơn 65m2 dành cho phóng viên và ban biên tập. Ở nơi mà những người khác không còn văn phòng, bán lẻ là lối thoát của chúng tôi”, theo Brûlé.
Các trang tin tức và thương mại điện tử thường được xây dựng chỉ tập trung vào độc giả. Monocle có gần 80.000 bạn đọc đăng ký, ít hơn so với nhiều tờ báo địa phương đang gặp khó khăn. Nhưng sân chơi của Monocle dành cho các nhà quảng cáo và đối tác luôn đầy ắp độc giả được xem như là những khách hàng tiềm năng.
“Các cửa hàng bán lẻ, gian hàng ở sân bay, tạp chí … sẽ nhắm đến cùng đối tượng khách hàng. Và đó là người mà chúng tôi có thể tự tin nói với các nhà quảng cáo rằng: Chúng tôi biết người mua món hàng này”, Brûlé nói.
Khả năng gắn kết khách hàng là cầu nối quan trọng giữa thương mại điện tử và sản xuất nội dung. Huckberry, một nền tảng thương mại điện tử, ngoài một tờ báo thông thường còn có các ấn phẩm sặc sỡ, gần đây phát triển thêm dạng bài dài “Đằng sau thương hiệu” dành cho đối tác.
Theo Richard Greiner, đồng sáng lập Huckberry, dạng bài dài trên “hút doanh số”, và bằng cách dành hẳn “đất” cho nó, họ có thể duy trì lượng độc giả, không như các website giảm giá hay mạng xã hội sớm nở tối tàn.
Ở đây có sự khác biệt quan trọng. Monocle hay bất kỳ hãng báo chí nào khác cũng đều phải nghiêm túc tuân theo chuẩn mực. Vì vậy, các sản phẩm Monocle hầu như độc quyền hoặc được thiết kế bởi chính đội ngũ của Monocle. Trong khi Huckberry dùng nền tảng của mình để phục vụ đối tác. Dù vậy không có gì bất ngờ khi Huckberry có kế hoạch tiếp bước Monocle sau khi hãng này thực hiện thành công chiến lược củng cố khách hàng cốt lõi.
Bán lẻ mở ra một số cơ hội tiếp thị trực tiếp. Hầu hết những người đăng ký nhận tin của Monocle được yêu cầu đến các điểm offline để nhận ấn phẩm định kỳ hàng tháng. Điều này giúp cho người quản lý cửa hàng cơ hội để xác định và tiếp cận với các độc giả mà họ đặc biệt coi trọng, chẳng hạn như các nhà lãnh đạo thuộc giới tài chính. “Khi họ có mặt tại cửa hàng của bạn… thì về cơ bản bạn có thể nhanh chóng biết được họ là người như thế nào và có nhu cầu gì”, Brûlé nói.
Và Brûlé nói tiếp, “chúng tôi có thể cho bạn biết có bao nhiêu độc giả thích chạy bộ, và họ thực sự đã yêu cầu chúng tôi phát triển nội dung liên quan đến chủ đề này. Đây có phải là lý do Nike là công ty quảng cáo lớn như hiện nay? Có thể lắm chứ”.
(Theo www.adexchanger.com)