Chi 4,83 Tỷ Thâu Tóm Yahoo, Verizon Có Tạo Nên ‘Thế Chân Vạc’ Trên Thị Trường Quảng Cáo Số?
Sau hơn một tháng rao bán với nhiều vòng thương thuyết, đấu giá và thu hút những lời đồn thổi, hôm thứ hai vừa qua (25/7) thông tin chính thức về việc Yahoo rơi vào tay Verizon trong thương vụ thâu tóm trị giá 4,83 tỷ USD đã được công bố.
Theo đó, Verizon có toàn quyền đối với các mảng kinh doanh chủ lực của Yahoo gồm quảng cáo, nội dung, tìm kiếm và di động. Thương vụ không bao gồm – các khoản đầu tư như 15% cổ phần vào tập đoàn Alibaba (tương đương 31,2 tỷ USD), 34% cổ phần trong Yahoo Nhật Bản trị giá 8,3 tỷ USD, cũng như các khoản nợ có thể chuyển đổi (convertible note), những khoản đầu tư của cổ đông thiểu số (certain minority), và danh mục Excalibur (gồm 4.000 bằng sáng chế của Yahoo hiện chưa rõ khả năng thương mại hóa nhưng được ước tính trị giá 1 tỷ USD). Những tài sản nằm ngoài hợp đồng mua bán kể trên dự kiến sẽ được vận hành dưới danh nghĩa một công ty độc lập sau khi thương vụ hoàn tất.
Đây không phải lần đầu tiên một hãng viễn thông có tham vọng bành trướng hoạt động vượt khỏi mảng kinh doanh truyền thống dumb pipes – trong đó chỉ chuyên các dịch vụ đường truyền mạng cho máy tính và di động. Verizon giờ đây muốn kiểm soát những thông tin và nội dung được phân phối qua hệ thống hạ tầng của mình và đã chi rất nhiều tiền cho hướng đi mạo hiểm này.
Chỉ mới năm ngoái, Verizon đã thâu tóm AOL với giá khoảng 4,4 tỷ USD trong lộ trình mở rộng và thúc đẩy mảng kinh doanh quảng cáo & truyền thông trên đa màn hình thiết bị. Verizon vẫn duy trì vị thế doanh nghiệp viễn thông hàng đầu, nhưng với việc thâu tóm AOL và giờ là Yahoo, nhà mạng này cho thấy tham vọng đa dạng hóa nguồn thu và tạo chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực quảng cáo số – nơi hai gã khổng lồ Google và Facebook đang thống trị.
Lowell McAdam, chủ tịch kiêm CEO của Verizon cho biết Yahoo hiện sở hữu những thế mạnh mà Verizon muốn khai thác. Đó là cơ sở dữ liệu của hơn 1 tỷ người dùng toàn cầu, trong đó có khoảng 600 triệu người dùng di động. Công ty cũng có trong tay các trang nội dung dẫn đầu thị trường và chất lượng với nhiều chủ đề thu hút sự quan tâm của độc giả như tài chính, tin tức và thể thao. Ngoài ra Yahoo cũng đang cung cấp nền tảng email phổ biến nhất với xấp xỉ 225 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng trên khắp thế giới. Ở mảng công nghệ quảng cáo và phân tích, Yahoo hiện sở hữu một số tài sản đáng chú ý như Brightroll – nền tảng DSP hỗ trợ nhu cầu mua quảng cáo Programmatic, Flurry – dịch vụ phân tích ứng dụng di động độc lập hay Gemini – giải pháp quảng cáo tìm kiếm và quảng cáo tự nhiên.
Do đó, Verizon mong muốn kết hợp những điểm vượt trội của hai nền tảng Yahoo và AOL để tạo nên một đế chế quảng cáo truyền thông di động mới, trở thành đối thủ xứng tầm trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với Google và Facebook.
Quá trình hợp nhất này dự kiến sẽ được dẫn dắt bởi Marni Walden – phó giám đốc điều hành Verizon kiêm giám đốc mảng phát triển sản phẩm và kinh doanh, tuy nhiên vẫn chưa có thông báo chính thức sau cùng. Nhiều khả năng bà Marissa Mayer, CEO hiện tại của Yahoo, sẽ rời đi sau khi thương vụ hoàn tất.
Được thành lập năm 1994 và niêm yết đại chúng vào năm 1996, Yahoo từng là người tiên phong trong lĩnh vực tìm kiếm và cổng thông tin trực tuyến. Tuy nhiên công ty đã dần tuột mất vị trí thống trị thị trường Internet những năm trở lại đây.
Tháng 7 năm 2012, bà Marissa Mayer gia nhập Yahoo với nỗ lực xoay chuyển tình hình đi xuống của công ty và hứa hẹn đưa Yahoo trở lại thời hoàng kim khi xưa. Bà đã có những khoản đầu tư mạnh tay vào việc phát triển các sản phẩm/ứng dụng dành cho di động. Bên cạnh đó, Marissa còn tiến hành nhiều vụ thu mua ‘khủng’ nhằm tăng thêm lượng tài nguyên và nhân lực kinh nghiệm cho Yahoo, cũng như mở rộng những loại hình sản phẩm mới có khả năng thu hút cả người dùng lẫn nhà quảng cáo – đáng kể đến như thương vụ mua lại Tumblr trị giá 1,1 tỷ USD hay Brightroll với giá 640 triệu USD. Song song đó, bà cũng đầu tư tân trang lại những sản phẩm chủ lực như Yahoo Mail, Flickr, Yahoo Weather và Yahoo Messenger.
Tuy vậy, có vẻ những nỗ lực kể trên không mang lại thành công như mong đợi, đặc biệt là mảng quảng cáo. Do đó, các thành viên trong hội đồng quản trị đã đi đến quyết định rao bán Yahoo.
Dù vậy bà Marissa vẫn có những nhận định khá lạc quan về vụ thâu tóm này. “Yahoo là trụ cột của thế giới Internet từ những ngày đầu và đã tạo nên những thay đổi kỳ diệu đối với cuộc sống con người. Công ty sẽ vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình sau khi về dưới trướng của Verizon”, Marissa chia sẻ. “Yahoo sở hữu những giải pháp di động tuyệt vời, vấn đề là làm cách nào để mang chúng đến với người dùng. Trong khi đó Verizon lại có hệ thống đường truyền và cơ sở hạ tầng di động khá hiệu quả. Vì vậy thương vụ sáp nhập này sẽ tạo tiền đề vững chắc để Yahoo xây dựng nên một nền tảng phân phối nội dung tối ưu hơn, từ đó góp phần đẩy mạnh thành quả kinh doanh ở các mảng mobile, video, native advertising và social”.
Về phía AOL, CEO Tim Armstrong nhấn mạnh “Yahoo có thời gian dài đầu tư vào các nội dung số chất lượng cao (premium content) và đang sở hữu một số trang nội dung được yêu thích nhất ở nhiều lĩnh vực như tài chính, tin tức hay thể thao”. Tim cho biết ông dành “sự tôn trọng rất lớn cho những gì Yahoo đã làm được, và tin tưởng rằng thương vụ này sẽ giải phóng tối đa tiềm năng từ các tài sản số của Yahoo. Nó cũng giúp gia tăng sức mạnh cho AOL bởi công ty vẫn đang tiếp tục theo đuổi sứ mệnh xây dựng những nội dung mà độc giả yêu thích. Sự kết hợp giữa Verizon, AOL và Yahoo sẽ tạo nên tính cạnh tranh mạnh mẽ trong mảng truyền thông di động, và mang lại nhiều lựa chọn mở và đa dạng hơn dành cho cả Advertiser lẫn Publisher.”
Giao dịch được dự kiến hoàn tất vào Q1/2017, tuy vậy Verizon vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình hợp nhất và vận hành tối ưu tài nguyên của các bên.
Đầu tiên là vấn đề nhân lực. Yahoo hiện có 8.800 nhân sự và 700 nhà thầu đối tác, trong khi đó AOL cũng sở hữu nguồn nhân lực không kém với 6.800 nhân viên. Chính vì vậy việc hợp nhất hai tổ chức khổng lồ với hàng ngàn người không phải là vấn đề đơn giản.
Thêm nữa, Yahoo đã có một năm tài chính không mấy suôn sẻ với những khoản mất mát. Do đó nhiệm vụ của Verizon sẽ trở nên khó khăn hơn khi phải có chiến lược đúng đắn để vực dậy Yahoo và biến nó trở thành công ty có khả năng sinh lợi trước khi những ảnh hưởng tiêu cực của nó lan sang hoạt động kinh doanh chủ lực của AOL.
Nhiều chuyên gia phân tích nghi ngờ về khả năng của một công ty viễn thông trong việc hợp nhất thành công hai nền tảng công nghệ khổng lồ như AOL và Yahoo – vốn là những đối thủ cạnh tranh hoàn toàn đối nghịch. Quan trọng hơn, liệu Verizon có đủ sức duy trì và phát triển giá trị của hợp thể này trong tương lai?
Hiện có nhiều thắc mắc xoay quanh việc làm thế nào một kết hợp giữa Verizon-AOL-Yahoo có thể mang lại những giải pháp đột phá cho nhà quảng cáo. Rõ ràng vẫn chưa có một giải thích cụ thể nào được đưa ra. Do đó dù đã vượt Microsoft để đứng thứ ba trên thị trường quảng cáo số tại Mỹ, nhưng khả năng cạnh tranh ngang tầm với Google và Facebook của Verizon vẫn còn là dấu hỏi lớn.
(Tổng hợp)